Bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay, cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên 37%, 40%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, sáng 11-2, trước khi thảo luận tại Phiên họp về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo tóm tắt một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý trong dự Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Đề nghị 2 ban thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn (Ban) thuộc Quốc hội để bảo đảm tính đồng bộ về loại hình tổ chức và yêu cầu chuyên môn hóa đối với bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội.
Cũng có ý kiến chưa nhất trí việc nâng cấp các ban này thành các cơ quan thuộc Quốc hội vì chưa đủ lập luận về sự cần thiết.
Hiện tại, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có Đề án chuyển thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị bổ sung vào Luật Tổ chức Quốc hội quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này.
Ban Tổ chức đại biểu dân cử (trên cơ sở Ban Công tác đại biểu) là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp việc Quốc hội, trực tiếp và thường xuyên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về công tác đại biểu dân cử và tổ chức bộ máy, nhân sự của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
Ban Dân nguyện là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, qua nghiên cứu, thảo luận bước đầu về Đề án của các Ban, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thuộc Quốc hội cơ bản vẫn là các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đang thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, đề nghị làm rõ hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn còn có sự giao thoa, chưa rõ ràng với các cơ quan khác, giữa Ban Tổ chức đại biểu dân cử với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Hay giữa Ban Dân nguyện với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Ban Tổ chức đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội…
Việc bổ sung quy định về các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội cần được cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, củng cố thêm lập luận thuyết phục để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến còn băn khoăn đề nghị trong các Đề án cần làm rõ hơn nữa về cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Bởi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các ban, mục đích chủ yếu là để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện một số công việc về công tác dân nguyện và công tác cán bộ liên quan trực tiếp đến đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất hoạt động của các Ban không có sự độc lập như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà luôn theo sự phân công, lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trực tiếp tham mưu và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện một số công việc cụ thể.
Chính vì vậy, Luật Tổ chức Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các ban này là phù hợp. Nay nếu chuyển các ban thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội trong khi tổ chức bộ máy vẫn giữ nguyên, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thuộc Quốc hội cơ bản vẫn như hiện nay thì cần phân tích, làm rõ hơn vị trí pháp lý cũng như cơ chế, cách thức hoạt động của các Ban, trong đó đánh giá kỹ mối quan hệ trong việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban với các cơ quan khác như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm tương xứng với tính chất, vị thế mới và khả năng thực tế của bộ máy.
Đề xuất phương án tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 200 người
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay, cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc cao hơn nữa.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo xin thể hiện thành hai phương án để xin ý kiến. Theo đó, Phương án 1 giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Phương án này được Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành.
Phương án 2 quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 200 đại biểu).
Về cơ cấu đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; không khống chế độ tuổi tối đa của đại biểu Quốc hội hoặc kéo dài tuổi làm việc của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo nhận thấy đây là một đề xuất có tính tích cực cao, cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của pháp luật thì đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với đại biểu Quốc hội thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Các nội dung này tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc chiều nay.
Theo Vietnam+