Huy động thủy điện xả nước, xây đập chống hạn, nhiễm mặn

.

Mới đầu mùa khô, tình hình xâm nhập mặn ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn đã diễn biến phức tạp. Trong khi đó, cả 3 hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia là A Vương, Sông Bung 2 và Sông Bung 4 đều có mực nước thấp hơn so với quy định. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã, đang và tiếp tục xây dựng các đập tạm ngăn mặn trên các sông ở hạ du và huy động các hồ thủy điện xả nước hợp lý để giữ ngọt ở thượng lưu các đập tạm, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đập tạm ngăn mặn bằng cọc cừ thép larsen được thi công trên sông Cẩm Lệ đã phát huy hiệu quả cao trong việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố và nước tưới cho các vùng rau, hoa màu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đập tạm ngăn mặn bằng cọc cừ thép larsen được thi công trên sông Cẩm Lệ đã phát huy hiệu quả cao trong việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố và nước tưới cho các vùng rau, hoa màu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ ngày 6-2, do triều cường làm mực nước sông Hàn và Cẩm Lệ dâng cao, đẩy nước mặn vào nhánh sông Cẩm Lệ chưa được thi công đập ngăn mặn, gây nhiễm mặn nặng tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo đó, từ rạng sáng 7-2 đến nay, nước sông tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng liên tục với độ mặn cao nhất mỗi ngày đều cao hơn 1.000mg/l, cao nhất là 1.366mg/l (lúc 10 giờ sáng ngày 8-2). Từ nay đến ngày 12-2, mực thủy triều dâng cực đại tại vùng biển Đà Nẵng được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo là 0,2m (do gió mùa đông bắc hoạt động mạnh), nên độ mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ duy trì ở mức cao.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã vận hành liên tục các máy bơm từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch để phối trộn với một phần nước sông lấy tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ để sản xuất nước sinh hoạt, cung cấp cho thành phố; đồng thời, tích trữ nước ngọt từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch đầy các bể chứa để dừng hẳn việc lấy nước sông tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ khi nước sông có độ mặn hơn 1.000mg/l, nhất là thời điểm trước, trong và sau khi triều cường đạt đỉnh.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho hay: “Nhờ có đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ được thi công hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Tý mà độ mặn của nước sông tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ đã giảm đi rất nhiều. Những ngày qua, độ mặn ở hạ lưu đập ngăn mặn duy trì ở mức cao từ 7.000-8.000mg/l, thậm chí lên đến 9.000mg/l nhưng độ mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ mức cao nhất hiện nay chỉ trên, dưới 1.000mg/l. Dawaco vẫn đang bảo đảm cấp nước sinh hoạt an toàn cho thành phố và khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để xin thành phố cho phép đắp đập tạm tại nhánh còn lại của sông Cẩm Lệ. Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị để khi thành phố cho phép thì triển khai thi công đắp đập tạm ngay, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố”.

Mặc dù đang bị xâm nhập mặn sâu vào sông Cẩm Lệ, nhưng các nguồn nước tưới cho các vùng rau, hoa màu ở các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) vẫn đang được bảo đảm do nguồn nước ngầm chưa bị nhiễm mặn nặng. Đặc biệt, người trồng rau ở vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) không còn lo lắng với nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn nặng như năm 2019 nhờ đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. “Dù người trồng rau ở La Hường bơm nước ngầm để tưới nước cho rau nhưng năm 2019, do sông Cẩm Lệ bị xâm nhập mặn mạnh và làm nhiễm mặn nặng nguồn nước ngầm tưới rau, phải chịu thiệt hại. Năm nay, nhờ có đập ngăn mặn nên cũng đỡ lo nguồn nước tưới, nhất là từ tháng 5 trở đi”, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn La Hường cho biết.

Ông Lê Văn Sâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho hay, để cân đối nước tại các hồ chứa và bảo đảm cấp nước tưới cho các diện tích sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản từ nay đến cuối vụ hè thu, công ty cũng đã đắp hơn 10 đập bổi thời vụ tại các tuyến kênh, mương… nhằm tận dụng và tiết kiệm nguồn nước. Cùng với đó, công ty huy động các trạm bơm điện và bơm dầu để cấp nước cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, bảo đảm không để xảy ra hạn hán, thiếu nước cho cây trồng.

Qua tìm hiểu, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành đắp đập ngăn mặn tại sông Vĩnh Điện (đoạn hạ lưu trạm bơm Tứ Câu), đắp đập ngăn mặn tại sông Bến Giá, một nhánh của sông Thu Bồn (đoạn thượng lưu cầu Gò Nổi)… Cùng với đó, để bảo đảm giữ ngọt, đẩy mặn cho hạ du trong bối cảnh các hồ thủy điện lớn như: Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương… đều có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quy trình 1865), mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có Công văn số 352/UBND-KTN về vận hành các hồ thủy điện trong cả vụ đông xuân năm nay.

 Hồ thủy điện Sông Bung 4 đang được huy động xả nước hằng ngày để giữ ngọt, đẩy mặn cho hạ du sông Vu Gia do mực nước trong hồ thấp hơn mực nước tối thiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hồ thủy điện Sông Bung 4 đang được huy động xả nước hằng ngày để giữ ngọt, đẩy mặn cho hạ du sông Vu Gia do mực nước trong hồ thấp hơn mực nước tối thiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ hồ thủy điện A Vương hạn chế tối đa việc vận hành xả nước phát điện để bảo đảm tích nước hồ chứa (hiện mực nước trong hồ ở mức 364,8m, thấp hơn mực nước tối thiểu theo đến 10m). Chủ hồ thủy điện Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 dựa vào dự báo lưu lượng nước về hồ, vận hành điều tiết nước về hạ du với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Chủ hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5… vận hành xả nước về hạ du với lưu lượng không nhỏ hơn lưu lượng nước về hồ để duy trì dòng chảy ở hạ lưu sông Vu Gia. Chủ hồ thủy điện Đak Mi 4 căn cứ vào dự báo lưu lượng nước về hồ, vận hành xả nước qua phát điện về sông Thu Bồn sau khi đã bảo đảm vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia theo quy định…

Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho rằng, dung tích nước của các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia đang thiếu hụt rất lớn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, lượng nước mưa dự trữ trên các lưu vực (thấm trong đất, trong rừng…) trong mùa mưa 2019 rất ít. Nếu trong mùa hè năm 2020 vẫn tiếp tục ít mưa trên các lưu vực như năm 2011 (tổng lượng mưa mùa khô chỉ 612mm) hoặc như năm 2018 (865mm) thì tình hình khô hạn, xâm nhập mặn vùng hạ du sẽ còn nặng nề hơn năm 2018, năm 2019…

Về lâu dài, hiện tượng nước biển dâng sẽ làm phạm vi xâm nhập mặn tăng dần theo từng năm. Trong khi đó, nguồn nước từ mưa không ổn định, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du ngày một tăng cao và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng cao. Do đó, cần thiết phải xây dựng đập ngăn mặn có cửa van và có âu thuyền trên sông Cẩm Lệ và sông Thu Bồn.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.