Một số dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 1/2.000, 1/5.000 nhưng chậm triển khai trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân ở huyện Hòa Vang, nhất là việc xây dựng nhà ở.
Nhiều hộ dân ở thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong không xây dựng được nhà ở vì nằm trong vùng quy hoạch các dự án chậm triển khai. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Vào tháng 3-2019, ông Trần Anh Dũng (trú thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng mảnh đất hoa màu nhỏ thành đất ở để xây dựng nhà ở. Sau một thời gian chờ đợi, ông Trần Anh Dũng không được giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở vì thửa đất này nằm trong khu vực quy hoạch dự án Trang trại bò sữa Đà Nẵng nên UBND xã Hòa Phong không đưa vào danh sách tổng hợp đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm để trình cấp trên phê duyệt và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với thửa đất nói trên.
“Dự án Trang trại bò sữa Đà Nẵng không biết đến bao giờ triển khai và cũng không biết chờ đến bao giờ tôi mới chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở”, ông Trần Anh Dũng than thở.
Vào đầu tháng 2-2020, ông Trần Lê Anh Tuấn (thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nộp hồ sơ xin phép xây dựng để làm nhà ở, nhưng lại nhận được phiếu trả hồ sơ từ Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Hòa Vang với nội dung là mảnh đất mà ông xin phép xây dựng đã được quy hoạch đất làm đường giao thông thuộc Đồ án quy hoạch phân khu Tây Nam nên không được xây dựng công trình trên thửa đất đó.
Ông Trần Lê Anh Tuấn bức xúc nói: “Từ năm 2017 đến nay, tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc mảnh đất tôi đứng tên thuộc đồ án quy hoạch cũng như việc đo đạc, cắm mốc từ các đơn vị liên quan. Vì nhu cầu nhà ở hiện nay, tôi mong nhận được câu trả lời đầy đủ, chính xác từ cơ quan có thẩm quyền về đồ án quy hoạch, hướng xử lý… và công khai rộng rãi cho người dân được biết để có kế hoạch về tài chính nhằm ổn định chỗ ở cho gia đình; đồng thời, tránh trường hợp quy hoạch “treo” kéo dài, gây khó khăn cho người dân”.
Qua trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang vừa cho biết, dự án Trang trại bò sữa Đà Nẵng tại xã Hòa Phong và Hòa Khương có tổng diện tích quy hoạch 127,83ha nhưng đã có kế hoạch sử dụng, thu hồi đất trong năm 2019 là 42,61ha. Vì thế, không có cơ sở cấp phép cho dân xây dựng nhà ở. Còn đối với khu vực nằm trong Đồ án quy hoạch phân khu phía Tây Nam (tỷ lệ 1/5.000), không được phép xây dựng công trình trên đất theo quy định tại điểm 4, Điều 12, Luật Xây dựng năm 2014.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế, hộ ông Trần Lê Anh Tuấn thật sự bức xúc về nhu cầu nhà ở vì đã có vợ, con và sống chung tại nhà ba mẹ với tổng cộng 6 người cùng sinh sống trong căn nhà 1 tầng có diện tích khoảng 50m2.
Xét thấy nhu cầu xây dựng nhà ở bức thiết của hộ ông Trần Lê Anh Tuấn, UBND huyện Hòa Vang vừa thống nhất áp dụng điểm 1 và điểm 3 của Điều 94, Luật Xây dựng năm 2014 để cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho ông Trần Lê Anh Tuấn xây dựng tạm nhà ở riêng lẻ với diện tích không quá 50m2 có kết cấu đơn giản, nhà 1 tầng tại thửa đất gia đình.
Đồng thời, sẽ đề nghị ông Tuấn làm bản cam kết tự tháo dỡ công trình tạm và không yêu cầu đền bù, bồi thường phần công trình xin xây dựng tạm này khi Nhà nước tiến hành triển khai dự án.
Còn theo UBND huyện Hòa Vang, đối với dự án Trang trại bò sữa Đà Nẵng, vào tháng 5-2019, UBND thành phố đã có Công văn số 2991/UBND-SKHĐT thống nhất dừng dự án và giao Sở Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Để bảo đảm quyền lợi nhân dân trong khu vực quy hoạch dự án, UBND huyện Hòa Vang đã kiến nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu vực cao ráo ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong với diện tích từ 30-50ha; phần còn lại của dự án tiếp giáp đường giao thông, huyện đề nghị quy hoạch thành khu dân cư.
Đối với đồ án quy hoạch phân khu Tây Nam và các đồ án quy hoạch phân khu Đông Nam, Tây Bắc, phía bắc sông Cu Đê và phía tây đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (tỷ lệ 1/5.000), UBND huyện Hòa Vang kiến nghị, trước mắt, để giải quyết bức xúc của nhân dân, cho phép người dân được thực hiện các thủ tục tách thửa, xây dựng nhà ở đối với các trường hợp đất ở trong khu dân cư nông thôn hiện trạng nằm trong các khu vực thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000. Về lâu dài, kiến nghị rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu nói trên cho phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, huyện Hòa Vang cũng đề nghị thành phố hủy bỏ nhiều đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 chậm triển khai trên địa bàn huyện để nhân dân yên tâm sản xuất và xây dựng nhà ở, như đồ án quy hoạch khu vực phía đông đường tránh Nam Hải Vân (đoạn từ Nhà máy nước sông Cu Đê đến khu tái định cư số 7 - đường ĐT.602) có tổng diện tích 458,6ha vì chậm triển khai, ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà ở của nhân dân hai xã Hòa Liên và Hòa Sơn, nhất là tại khu vực đất ở có diện tích 62,5ha; hủy bỏ đồ án quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến quốc lộ 14B (đoạn từ nút giao thông Hòa Nhơn đến giáp Quảng Nam) vì chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà ở của nhân dân ba xã Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Khương, nhất là tại khu vực đất ở có diện tích 40ha; hủy bỏ đồ án quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến đường ĐT.605 vì chậm triển khai, ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà ở của nhân dân, nhất là khu vực thuộc quỹ đất dự trữ phát triển đất ở đô thị có diện tích 70,3ha…
Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, trước đây, huyện giải quyết việc xây dựng nhà tạm đối với các hộ dân trong vùng dự án chậm triển khai theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 10609/UBND-QLĐTh ngày 29-11-2013. Thế nhưng vào ngày 8-8-2019, UBND thành phố đã có Công văn số 5356/UBND-STNMT hủy bỏ Công văn số 10609/UBND-QLĐTh. Vì thế, huyện Hòa Vang đã đề nghị UBND thành phố có chủ trương giải quyết xây dựng nhà tạm đối với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về nhu cầu nhà ở thuộc các dự án chưa triển khai và chậm triển khai trên địa bàn huyện.
HOÀNG HIỆP