Một ngày khó quên!

.

Xuống núi Hòn Tàu, giữa lúc bốn bề còn địch. Địch lùng, địch đổ biệt kích. Đường qua dốc Dựng xuống Xuyên Thanh, lội sông Thu Bồn, qua Gò Nổi bị tắc cả tuần, giao liên không soi được. Tôi đứng công tác ở xã Điện Hòa (Điện Bàn) mấy hôm thì tinh thần đồng chí Bí thư Khu ủy 5 truyền đạt đã xuống đến cán bộ cấp huyện và cấp xã - Một ngày bằng hai mươi năm; Thời cơ là lực lượng, giành và giữ chính quyền... Tinh thần này cũng nhanh chóng lan tỏa ra các ngành, các giới, đến với bộ đội, du kích và nhân dân bám trụ ở vùng giải phóng.

Đoàn khảo sát hội ý trong đợt tìm kiếm địa điểm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh ở Hòn Tàu.  Ảnh: X.DUYÊN
Đoàn khảo sát hội ý trong đợt tìm kiếm địa điểm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh ở Hòn Tàu. Ảnh: X.DUYÊN

Trong những ngày 26 và 27-3-1975, các vị Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà đi tiền phương đều có mặt ở Phái Nhất xã Điện Hòa: Phạm Hồng Quang, Năm Dừa, Trần Hưng Thừa, Phan Hoan. Những tin đầy phấn khích từ Đà Nẵng chuyển ra làm các vị thêm bận rộn. Họ đòi cán bộ cốt cán vào nội thành để trực tiếp chỉ đạo. Họ mong bộ đội vào nhanh để trấn áp kẻ thù đang rệu rã và nắm chính quyền. Chiều 28-3, Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận rời núi Hòn Tàu xuống Điện Hòa.

Sau khi ông Trần Hưng Thừa được phép vào Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo lực lượng nội thành thì các ông Hồng Quang, Năm Dừa đứng ngồi không yên, ức như cá ức nước. Sáng 27-3, nhìn lên núi Bồ Bồ thấy khói đen bốc lên, sau đó thấy rõ hàng tốp lính bỏ đồn xuống núi. Dọc quốc lộ 1 từ cầu Bà Rén ra cầu Câu Lâu, Vĩnh Điện, càng rõ hơn cảnh tan rã của quân lính Sài Gòn.

Tối 27-3, ở Điện Hòa, Điện An, đã thấy hàng trăm lính Sài Gòn rã ngũ, áo quần tả tơi, mặt mày phờ phạc. Không ai kịp hướng dẫn, mấy bà mẹ ở Phái Nhất, Phái Nhì nấu cơm cho lính rã ngũ ăn. Phần đói, phần mừng thoát chết, họ ăn ngon lành.

Là một phóng viên được thủ trưởng Báo Giải phóng Quảng Đà Nguyễn Đình An phân công đi công tác Điện Bàn, trước tình hình này, tôi theo cánh quân nào, quân sự hay chính trị? Tôi xin ý kiến anh Hồng Quang, lúc này là Trưởng ban Đấu tranh chính trị, cho tôi vào Đà Nẵng, vào sớm chứ không chờ bộ đội vào mới đi theo sau.

7 giờ sáng, ngày không thể quên, ngày 29-3-1975, tại Phái Nhì, trong nhà bà Bảy Niệm, tôi bước ra sân, lên yên sau chiếc xe Vespa Sprint màu xanh sáng do anh Phán lái - anh là cơ sở của anh Nguyễn Hữu Bút, chạy qua Trảng Nhật theo quốc lộ 1 đi vào Đà Nẵng.

Một buổi sáng tháng ba! Trời không nắng, nhiều vùng có mưa bay, se se lạnh. Những tiếng súng va chạm nhỏ còn nổ tạch tạch, đùng đùng xa xa. Người hối hả chạy ra. Nhiều người còn chạy ra phía biển. Người lạnh lùng đi vào. Nhiều nhà dân, hàng quán đóng cửa im ỉm... Khung cảnh khu vực sân bay Đà Nẵng đang trong cơn hỗn loạn. Phán là một thanh niên to con, khỏe mạnh, người Đà Nẵng, đang sinh sống trong lòng Đà Nẵng. Thân xác anh vậy, nên ngồi sau lưng anh, tôi càng vững tâm. Thấy tôi im lặng trong lúc bọn hôi của đang hùng hục, Phán nghiêng đầu lại nói:

- Anh cứ ngồi yên. Có chi, anh em mình hẵng tính.

- Khi hắn xông vô, làm sao mình lấy súng kịp? Tôi lo ngại.

- Anh đừng lo. Không thằng nào dám đụng đến tôi đâu! Phán trấn an tôi.

Khi xe chúng tôi qua được cầu Đỏ và đến khu vực Cẩm Lệ thì thấy một chiếc trực thăng UH-1A còn bay vòng vòng, lấc láo trên đầu. Máy bay lên cao dần rồi lượn về phía Sơn Trà. Đó là một trong những chiếc máy bay cuối cùng rời được sân bay Đà Nẵng, ra hạm đội chờ ngoài khơi. Đó là thời điểm, sau này tôi mới biết, theo Fran Sneep - chuyên viên CIA trong hồi ký Decent Interval viết về tên Trưởng: “Sáng 29-3-1975, trời mưa bay và lạnh, biển động hơn trước... không rõ giờ này tướng Ngô Quang Trưởng, từng được coi là ưu tú nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa, đang bơi và trôi giữa những cơn sóng nguy hiểm ngoài khơi Đà Nẵng. Ông không phải là người bơi giỏi, người ta phải vớt ông đưa lên tàu. Trưởng ở trên tàu những ngày sau đó. Đằng xa, lính còn lại là lính của Sư đoàn mà Trưởng từng tự hào, đang cướp, phá, đốt... Hàng trăm ngàn tên lính khác bị bao vây như đàn chuột”.

Trong mắt tôi, bấy giờ phố xá Đà Nẵng đổi thay nhiều quá, trông rất đồ sộ so với Đà Nẵng trong mắt tôi 10 năm trước đó. Vừa hồi hộp trước cảnh rượt đuổi của những tay cướp ngày, vừa bồi hồi trước cảnh nhà cửa cao sang, vời vợi, chưa một lần tôi nhìn thấy. Đường sá, hè phố ngổn ngang và bẩn. Chứng tỏ mấy ngày rồi không ai nghĩ đến chuyện quét dọn. Những bộ quần áo lính vứt bừa bãi. Những đôi giày lính lăn lóc, những chiếc mũ sắt, cái thì úp, cái nghiêng hả miệng lên trời. Có cả những chiếc xe Gobel, Honda, xe đạp vô chủ nằm chình ình bên vệ đường. Một cảnh tượng không bình yên. Tôi đang say sưa ngắm nhìn thành phố, đầu nghĩ miên man thì Phán hỏi: Bây giờ anh về đâu?

- Cho tôi về số 5 Duy Tân.

 Hồi còn hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh ở Đà Nẵng, tôi hay lui tới nhà bà Thông Bính. Bà có mấy người con, người cháu là bạn học của tôi, thằng Rân, thằng Tạo, thằng Ân, thằng Cần, con Kiệm còn nhỏ... Tôi nhớ như in trong đầu ngôi nhà số 5 đường Duy Tân - con đường chạy sau lưng Trường Phan Châu Trinh và Trường Phan Thanh Giản, đến giáp đường Lý Thường Kiệt (bây giờ là đường Nguyễn Chí Thanh).

Lái chiếc Vespa chầm chậm, Phán bảo: đây là đường Duy Tân. Đã gần hết con đường mà tôi không nhận ra ngôi nhà số 5 ngày xưa. Chiếc Vespa chạy chậm, rà đến cuối đường, Phán nói: Hết đường Duy Tân rồi anh ạ!

- Thế à. Vậy thì quay xe lại. Đi thật chậm.

Lúc này, tôi không nhìn số nhà mà tính đoạn đường quen thuộc trong đầu để đoán vị trí ngôi nhà số 5… Mặt tiền ngôi nhà quen thuộc hiện ra, khuất dưới lùm cây sa-pu-chê sum suê cành lá. Hồi tôi ở đây, cây sa-pu-chê mới trồng.

Một bà mẹ đang đứng kéo hai cánh cổng đóng lại. Tôi nhận ra đó là dì Thông Bính. Tôi nói với Phán cho mình xuống đây. Phán hãm ga, vòng xe lại. Tôi bước xuống xe, vội vã chào Phán. Tôi bước lại cổng nhà, đẩy cửa bước vào. Dì Thông Bính lui vào một bước. Tôi bước lại bên dì, cầm tay dì, hỏi: Dì có biết đứa mô đây không?

- Biết. Dì nói vậy và nhìn sững tôi, cố nhớ.

- Biết thì đứa mô? Tôi hỏi lại và nghĩ, dì không kịp nhận ra và nhớ tôi là ai giữa lúc tình hình đang rối tung, rối bời.

- Thôi, vô nhà đã. Dì giục

Nhất định bây giờ tôi lạ hoắc so với ngày nào! Mười năm tù tội và ở rừng, ăn không đủ no và sốt rét triền miên làm tôi già sạm. Cả nhà đang lo sợ nơm nớp, nỗi sợ mơ hồ không biết sợ cái gì. Chính là sợ bọn ăn cướp. Vì vậy, thấy hai chúng tôi vừa đi qua, rồi quay lại dừng xe trước cổng, dì sợ, vội bước ra kéo cổng, ngăn không cho chúng tôi vào nhà.

- Làm gì mà kéo cửa lại. Tôi hỏi.

- Sợ Việt cộng. Dì trả lời gọn lỏn.

- Việt cộng là con đây chứ ai mà sợ! Tôi nói tỉnh bơ như để tự giới thiệu mình.

Một thoáng ngờ ngợ. Hình ảnh ngày xưa hiện dần ra trong đầu, dì bật reo lên:

- Ý, thằng Lệ, thằng Lệ.

Dì mừng rỡ, nắm tay tôi kéo xuống nhà dưới, đi qua cái cửa hông... Ai nấy đều ngỡ ngàng, giữa lúc đang rối tinh và lo sợ thì sự xuất hiện của tôi quá bất ngờ. Một sự xuất hiện mà ngay cả tôi cũng chỉ mong nó hiện ra trong những giấc mơ khi còn nằm giữa rừng sâu.

Một đơn vị quân Giải phóng qua cầu tiến vào Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Một đơn vị quân Giải phóng qua cầu tiến vào Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Thằng Ân cùng học, thi tú tài toàn phần với tôi thì lãng trí nặng, bắt đầu từ lần thi trượt tú tài năm 1963. Thấy tôi, nó nhìn rồi chỉ nói một câu: “Lệ hả!”. Còn con Kiệm đã lớn tướng, thấy tôi nói chuyện với bà già có vẻ thân thuộc, nó thở phào, rồi bước lại gần chứ không tránh mặt tay Việt cộng như lúc đầu nữa.

Kiệm gật đầu chào tôi, rồi khẽ hỏi:

- Hình như anh là anh Lệ phải không?

- Chừ nhận ra chưa?

- Em nhớ anh học với anh Ân. Hồi anh ở đây, em còn nhỏ tí mà.
Những câu chuyện ngắn ngủi với người này, người nọ chưa đến đâu thì có tiếng Honda từ ngoài đường chạy vào. Xe chạy vù luôn ra nhà sau. “Ủa, thằng Rân!”. Tôi và Rân đều nhận ra nhau. Rân là anh ruột của Ân.

- Tình hình thế nào rồi? Mấy đứa mình ở đâu? Tôi hỏi Rân.

- Tau ở chỗ thằng Roa về đây. Rân nắm cứng cánh tay tôi, vừa nhìn sững tôi, vừa nói trong rạng rỡ. Địa điểm mới ở nhà anh Thiệu. Chừ bọn mình lên đó!

- Mi có ghé lại chỗ chú Bảy tau không?

- Thì tau cũng vừa ở đó! Có thằng Dũng, thằng Mân, thằng Bá ở đó. Dân Đà Nẵng này đang trong tư thế có thể nổi dậy và cũng sẵn sàng di tản. Mấy ngày nay, nhất là ở sân bay Đà Nẵng, bến cảng Sông Hàn, cảng Tiên Sa đều như cái giặc.

- Vì sao? Tôi cắt lời Rân.

- Tranh nhau di tản. Đạp lên nhau đi, lấn nhau leo lên tàu. Mạnh ai nấy di tản. Cướp giật lộn xà ngầu.

- Bây giờ ta đi ngay nhé.

- Ừ, lên trên đó. Tụi nó đang trông Việt cộng về. Rân nói và cười hề hề trông rất lạc quan.
Tôi vội vã chào dì Thông Bính, chào cả nhà, nói mọi người cứ yên tâm, rồi nhảy lên Honda, ôm hông thằng Rân. Xe chạy về phía sân vận động Chi Lăng...

Nhà chú Bảy bên hông sân vận động Chi Lăng, gần phía chợ Cồn. Buổi sáng hôm ấy, tình hình trong thành phố căng thẳng vì nạn cướp, lính thủy quân lục chiến và lính dù bắn nhau, giành cướp của. Khi nghe có mấy loạt súng phía sân vận động Chi Lăng, cả nhà chú Bảy rất lo sợ, sợ cướp, sợ cuộc giao tranh có thể diễn ra, vì vậy, có ý kiến đề nghị nên dời qua nhà anh Thiệu gần cầu Vồng, ở đấy nhà lầu ba tầng, có thể dựa vào tầng trệt để tránh đạn.

Chú Bảy bắt tất cả ngồi yên tại nhà, có tiếng súng thì nằm bẹp xuống đất, chạy ra đường lúc này sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn. Trong căn phòng khách nhỏ của chú Bảy, người ngồi chật ém. Hầu như chỉ mình chú ngồi trên ghế sa-lông, còn tất cả ngồi dưới nền gạch hoa đã cũ úa. Trước mắt tôi là chú Bảy, thím Bảy, thím Chín, thím Mười, thằng Bá, con Trâm, con Ánh, thằng Khuê, thằng Chính, con Hiền... Ai nấy cũng sẵn sàng trong tay một cái xách hoặc một gói đồ như đang chuẩn bị tản cư. Thấy tôi vào, cả nhà reo lên. Chú Bảy ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào, nước mắt ứa ra:

“Con về rồi! Hết sợ rồi!”, chú nói trong xúc động.

Mấy phút hàn huyên tạm để cả nhà không còn lo sợ gì nữa, tôi theo Roa, Rân, Dũng sang nhà anh Thiệu ở số 36 đường Thống Nhất bên chân cầu Vồng (bây giờ là đường Lê Duẩn). Đây là ngôi nhà mà Roa và Rân đã chuẩn bị trước, theo tinh thần chỉ đạo của Mặt trận thành phố do Sương mang về truyền đạt lại cho Roa và Mân là chuẩn bị nổi dậy.

Công việc chúng tôi cần làm ngay đó là chuẩn bị thật nhiều vải để may cờ. Trong nhà anh chị Thiệu có sẵn chiếc máy may Singer thật tiện. Anh em có sáng kiến, phải sục vào chợ Cồn mới tìm ra vải, vì các tiệm buôn đều đóng cửa. Một lúc sau đã thấy Bá, Sương, Lân, mang vải về. Cả chị Thiệu và con gái chị, cả Hiền, Bích đều tham gia may cờ.

Buổi sáng ngày 29-3, bộ đội còn ở đâu ngã Hòa Hải, Hòa Quý mà tiếng đồn và lời hù dọa làm người ta cứ ngỡ như bộ đội đã đến thành phố. Nhờ vậy, càng lúc bọn cướp, bọn lính ác ôn vắng bóng dần. Còn anh em mình thì càng lúc càng đông. Cứ hai người xách xe chạy quanh phố, vừa để nghe ngóng tình hình địch, thấy cây súng nào thì lượm về làm vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.

 Mân và Dũng phát hiện chiếc xe jeep của viên thiếu tá Sài Gòn ở căn nhà số 38, cách nhà anh Thiệu bức tường. Thấy anh ta lái xe về, hớt hải đi vào nhà, Mân liền bước vào nhà, thương lượng mượn chiếc jeep. Viên thiếu tá thành thật: Các ổng pháo kích hướng Sơn Trà dữ quá. Tôi vừa ở Sơn Trà chạy về đây. Không thể lên tàu. Hết đường chạy rồi. Bọn tui thua rồi. Các anh lấy mà chạy.

Dũng lấy chiếc jeep đậu ngay trước nhà anh Thiệu. Rồi cùng nhau chuẩn bị súng để bảo vệ, loa để rao và trụ để treo cờ, khi có lệnh là xuất quân. Phải có thật nhiều cờ, khi xuất quân thì cờ của ta chiếm lĩnh đường phố. Những lá cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng xuất hiện trên đường phố lúc này là một sức mạnh kỳ lạ.

Vào khoảng 2 giờ 30, chúng tôi phất cờ đỏ sao vàng (cờ Tổ quốc), cờ nửa đỏ, nửa xanh ở giữa có ngôi sao vàng (cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng), xe vừa chạy vừa rao loa. Mân cầm loa rao mời đồng bào hãy treo cờ lên đón cách mạng về. Mân rao không ngừng, thét to đến khản cổ mà không biết mệt. Honda, xe đạp, Vespa xuất hiện nhiều dần trên các đường phố chính, nơi xe chúng tôi chạy qua như: Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Độc Lập (Trần Phú bây giờ), Bạch Đằng, Trưng Nữ Vương... Dân hai bên phố đổ ra đường nhìn và vẫy tay chào mỗi lúc một đông dần cho đến khi những chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng vượt qua cầu De Lattre vào thành phố Đà Nẵng tràn ngập người và xe…

Mới đó mà đã 45 năm!

Bút ký của Hồ Duy Lệ

;
;
.
.
.
.
.