Nhiều năm qua, nhất là kể từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), diện mạo khu vực phía tây bắc thành phố (quận Liên Chiểu) đã có những bước chuyển mình đầy triển vọng.
Sự đầu tư phát triển hạ tầng đô thị làm cho diện mạo của quận Liên Chiểu ngày càng hiện đại. TRONG ẢNH: Tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Diện mạo đô thị đổi thay
Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Lê Văn Lôi (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vẫn nhớ như in những ngày cơ cực, vất vả thời còn trai trẻ. Ông Lôi kể: “Sau ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975), khu vực phía tây bắc của thành phố là vùng đất hoang hóa, nghèo khó với những ngôi nhà cấp 4 lụp sụp lẫn trong các bãi cát trắng, đường sá chật hẹp, lầy lội…
Do cuộc sống còn nhiều cơ cực nên một số người dân đã rời quê vào miền Nam hay lên Tây Nguyên lập nghiệp. Khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986), nhất là sau hơn 22 năm kể từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, mọi thứ đã thay đổi đến nỗi người dân xa quê khi trở về cũng phải “giật mình” với hàng loạt công trình, dự án, nhà cửa cao tầng, những dãy phố khang trang, hiện đại mọc lên khắp vùng đất này”.
Là người con của quê hương Liên Chiểu, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, trước kia không chỉ ở địa bàn phường Hòa Khánh Nam mà hầu hết các phường của quận Liên Chiểu đường sá đều xuống cấp, đời sống người dân nghèo khó, thu nhập rất bấp bênh…
Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của thành phố và chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, bộ mặt đô thị của quận đã thay đổi đáng mừng. Các khu công nghiệp được mở rộng thu hút nhiều nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương. Khi thương mại, dịch vụ từng bước phát triển, nhiều tuyến đường mới được mở ra, các khu dân cư, khu phố mới tiếp tục hình thành đã biến Liên Chiểu từ vùng đất đầy cát trắng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, để có diện mạo đô thị khang trang như ngày nay, cả hệ thống chính trị của thành phố và các cấp chính quyền của quận Liên Chiểu đã vào cuộc quyết liệt trong công tác giải tỏa, chỉnh trang, sắp xếp lại các khu dân cư trên địa bàn.
Sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với các dự án có quy mô hàng nghìn tỷ đồng làm cho diện mạo của quận Liên Chiểu phát triển nhanh chóng. Việc hình thành các khu công nghiệp lớn đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người dân địa phương và thu hút các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài đến làm việc.
Đón đầu cơ hội phát triển
Phía tây bắc thành phố không chỉ có sự thay da đổi thịt về hạ tầng cơ sở mà đời sống của người dân cũng ngày càng nâng cao nhờ hưởng lợi từ những dự án đã triển khai. Hàng loạt các dự án trọng điểm như tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài đi khu du lịch Bà Nà Hills đã phá thế cô lập cho khu vực tây bắc. Các tuyến đường thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã giúp người dân nâng cao thu nhập do đất đai ngày càng có giá trị.
Trong khi đó, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 dự kiến được khai thác toàn tuyến vào năm 2021 sẽ thúc đẩy giao thương của vùng tây bắc Đà Nẵng. Đặc biệt, dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, dự án khu du lịch Mikazuki Hotel & Spa Resort (Nhật Bản) và tới đây dự án Cảng Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 33.000 tỷ đồng thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội thành phố, trong đó quận Liên Chiểu là địa bàn dự án đứng chân.
Dự án khu du lịch Mikazuki Hotel & Spa Resort (giai đoạn 1) dự kiến hoàn thành trong năm 2020 sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế quận Liên Chiểu. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nhìn nhận, hiện tại, khu vực tây bắc của thành phố được xem như một đại công trình, đang được đánh thức để khai phá các tiềm năng. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đã tạo bàn đạp cho khu vực Liên Chiểu phát triển toàn diện về du lịch, công nghệ cao, cảng biển, bất động sản…
Theo ông Huy, để đáp ứng quy mô dân số Đà Nẵng lên trên 2 triệu người vào năm 2030, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đô thị tây bắc để trở thành cửa ngõ phía Bắc quan trọng của Đà Nẵng. Để thực hiện chủ trương trên, quận Liên Chiểu sẽ phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Quận Liên Chiểu tiếp tục rà soát các dự án để kịp thời kiến nghị với thành phố hủy bỏ những dự án chậm triển khai; đồng thời đẩy mạnh việc kết nối các trục giao thông làm động lực phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút các dự án đến với quận”, ông Huy nói.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Liên Chiểu vào cuối tháng 2-2020, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, theo đồ án quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, quận Liên Chiểu sẽ trở thành trung tâm kinh tế và đô thị cao cấp của thành phố. Vì vậy, bên cạnh việc phối hợp hỗ trợ tốt nhà đầu tư triển khai các dự án thành công, trong quy hoạch và phát triển đô thị, quận Liên Chiểu cần phải tạo được bản sắc riêng. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, thiết kế khu đô thị mới, hiện đại tại trục chính tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc, phát triển du lịch trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và chú trọng đầu tư phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô…, từ đó tạo sức bật để làm đổi thay vùng đất vốn có truyền thống lịch sử cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến, góp phần xây dựng quê hương Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp. |
PHƯƠNG ANH