Hành trình 29-3

.

Những nhân chứng sống “gạo cội” - những người từng là lãnh đạo trong thời khắc lịch sử 29-3-1975 của thành phố Đà Nẵng, mỗi lần nhắc lại câu chuyện cách đây 45 năm, thường có cách đúc kết ngắn gọn của riêng mình: sáng 28-3 còn ở chân núi Hòn Tàu, 29-3 về thành phố; ngày 30-3 bắt đầu quản lý một xã hội hoàn toàn mới. Cũng vẫn những con người ấy - những người từ chiến khu về. Buổi chiều 29-3, một cảnh tượng ngổn ngang. Quần áo, súng ống, lựu đạn binh lính địch bỏ lại, vương vãi. Người tản cư di cư từ các địa phương khác về, nằm la liệt trên đường phố.

Ảnh: SÂM NGỌC
Ảnh: SÂM NGỌC

An ninh trật tự đòi hỏi phải giải quyết ngay. Vệ sinh môi trường, rác thải, kể cả phóng uế ngay giữa đường. Thiếu đói. Nhiều gia đình nheo nhóc, không có gạo ăn. Hàng núi công việc đặt ra đối với Ủy ban quân quản vừa được thành lập ngay trong sáng 30-3. Bên cạnh việc giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt lo cho đời sống nhân dân và xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, còn phải lo đối phó với địch phản kích.

Lúc bấy giờ hạm đội 7 của Mỹ vẫn còn nằm nguyên ngoài khơi Thái Bình Dương. Phía Nam địch vẫn còn. Vẫn phải lo phối hợp phục vụ chiến trường phía Nam.  Lãnh đạo làm việc gần như 24/24 giờ, không còn thì giờ để có được bữa ăn trọn vẹn. Vậy mà chỉ trong một tháng, cơ bản giải quyết xong vấn đề. Guồng máy xã hội vận hành đồng bộ, dần đi vào nền nếp trong chế độ mới, dưới chính thể mới. Đó là bước ngoặt lịch sử trọng đại của Đà Nẵng, trong bước ngoặt lịch sử trọng đại chung của cả nước, là “giờ của số thành” như cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên.

Từ cột mốc 29-3 năm ấy, thành phố lại bước tiếp hành trình lịch sử trên những chặng đường mới. Những chặng đường  đầy nỗ lực và khát vọng để hình ảnh Đà Nẵng càng ngày càng rõ nét hơn trên bản đồ đất nước, mặc dù cũng có những khó khăn thách thức, những bước thăng trầm. Chỉ trong khoảng hơn một thập kỷ vừa qua, đã có không ít những danh hiệu đẹp được dành cho Đà Nẵng, có cái do tự thân Đà Nẵng làm nên, có cái do những tổ chức có uy tín từ nước ngoài đến khảo sát và đánh giá, tạo thương hiệu.

Và, đến hôm nay, ở vào thời điểm năm thứ 45 của hành trình 29-3, Đà Nẵng được nhắc đến với tư cách là Thành phố đáng sống, đang trên đường xây dựng Thành phố hiện đại, thông minh. Hai cụm từ “đáng sống” và “thông minh” đã được chính thức nhắc đến trong nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị về một thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai (*).

Nói về thành phố “đáng sống”, thực ra hình như cũng chưa có tổ chức hay cá nhân những chuyên gia về đô thị học nào đánh giá, nhưng dư luận chung đang dần hình thành một tình cảm dành cho Đà Nẵng như một đô thị tốp đầu của những “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, bởi trên hết là con người thân thiện, biển - trời - sông - núi đan xen tôn lên vẻ đẹp thiên nhiên, cộng với môi trường trong sạch, ít ô nhiễm, dễ chịu; dịch vụ tương đối phong phú, tiện ích.

Để có được một cơ sở hạ tầng đáng sống, ngoài việc thiên nhiên ưu đãi, sức người bỏ ra cũng đáng để nói rằng “công trình kể biết mấy mươi”! Từ sự đầu tư trí tuệ cho đến sức lực của đôi bàn tay con người. Kể cả sự hy sinh một số quyền lợi riêng tư vì quy hoạch chung. Và không thể không kể đến những mất mát, tổn thương.

Danh hiệu “Thành phố đáng sống” không thể tách rời việc xây dựng “Thành phố thông minh”. Bởi mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng thành phố thông minh, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo thịnh vượng chung cho cộng đồng, còn có việc tạo nên một môi trường sống, làm việc thật thuận tiện, một cuộc sống hạnh phúc, đáng sống cho người dân. Điều quan trọng là Đà Nẵng bước vào thực hiện chương trình xây dựng thành phố thông minh không phải từ con số 0.

Theo những thông tin được đăng tải, từ năm 2014, thành phố bắt đầu thí điểm các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giao thông, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, y tế…, đem lại tác động tích cực trong quản lý và điều hành đô thị.

Với những cố gắng liên tục và có định hướng rõ ràng của Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố thông minh, thành phố đã được Hiệp hội Công nghệ thông tin (CNTT) khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ASOCIO) – một tổ chức có uy tín trong lĩnh vực CNTT và truyền thông - trao giải thưởng Thành phố thông minh.

Những tín hiệu đáng mừng khác như: thành phố 11 năm liền đứng đầu các tỉnh, thành cả nước về Chỉ số sẵn sàng về ứng dụng và phát triển CNTT; và nhất là gần đây, vào thượng tuần tháng 10-2019, Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh lần thứ 3 và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản lần thứ 12 đã được tổ chức tại Đà Nẵng với 500 đại biểu là lãnh đạo các thành phố thông minh trên thế giới, các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ thông tin. Nhiều nội dung quan trọng có tính hỗ trợ cho việc tăng tốc đề án xây dựng thành phố thông minh cho Đà Nẵng đã được đề cập và ghi nhận.

Liệt kê một vài sự kiện và con số trên đây để chúng ta có thêm sức mạnh và niềm tin về việc đã tìm ra hướng đi đúng và mới, từ trải nghiệm thực tế, từ kinh nghiệm trong và ngoài nước, cộng với sự hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học công nghệ từ các nước tiên tiến.

Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều hiểu, xây dựng thành phố thông minh không chỉ có chừng ấy công việc. Nhưng điều chắc chắn là chúng ta đã tìm ra cách tiếp cận để “đi tắt đón đầu” trong hành trình bứt phá của Đà Nẵng để song hành với các thành phố của cả nước và trong khu vực cũng như vươn ra tầm vóc thế giới trong kỷ nguyên kinh tế số và khai thác thế mạnh của kinh tế tri thức.

Trong khi kinh tế nói chung của thành phố còn ở mức nhỏ lẻ, chỉ chiếm khoảng 1,55% GDP của cả nước; tốc độ tăng trưởng chưa thật ổn định, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới chủ yếu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ… thì phải chăng chủ trương tích cực khẩn trương xây dựng thành phố thông minh sẽ giúp cho chúng ta rút ngắn khoảng cách với những nền kinh tế phát triển khác. Cách đây khoảng vài mươi năm, có nhà báo đã viết đại ý: ngày nay, kỹ thuật thép có thể dành cho Hàn Quốc, và xe con, ngay tại Detroit (Hoa Kỳ) sẽ nhập tại Trung Quốc.

Điều đó không phải là kỹ thuật phương Tây đang xuống dốc, mà nó đã chuyển qua thời đại mới, thời đại của công nghiệp công nghệ thông tin. Người Trung Quốc có thể tự hào xuất sang tận Mỹ máy vi tính; trong khi đó, Mỹ lại tạo ra phần mềm bởi kỹ sư Ấn Độ. Những gợi ý trên đây giúp cho chúng ta càng vững tin vào những gì đã làm và những chủ trương sắp tới trong chương trình xây dựng thành phố thông minh ngay trên mảnh đất của quê hương Đà Nẵng.

Danh hiệu thành phố anh hùng, danh hiệu Trung dũng kiên cường, đi đầu chống ngoại xâm mãi mãi gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Từ cột mốc 29-3-1975 đầu tiên với Thành phố giải phóng; rồi Thành phố vươn mình, Thành phố phát triển năng động trong Đổi Mới, đến hôm nay:

Thành phố đáng sống - Thành phố thông minh. Phải chăng, ở vào cột mốc thứ 45 của hành trình 29-3, việc xây dựng Thành phố thông minh là điểm nhấn, là điểm sáng, và cũng có thể coi là điểm xuất phát mới, với chất lượng mới trên lộ trình phát triển của thành phố, tiến đến những cột mốc 29-3 trên hành trình không ngừng nghỉ của thành phố hướng tới tương lai!

NẠI HIÊN

(*) Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

;
;
.
.
.
.
.