Quả mìn trong xe Trưởng ban Mật vụ

.

Tấm bia đá ốp trên tường ngay bên lối chính vào chợ Cồn ghi ngắn gọn về trận đánh của nữ trinh sát An ninh Quận 3 (Đà Nẵng) trong những ngày thành phố còn là căn cứ liên hợp quân sự của Mỹ-ngụy. Để hiểu hơn về lòng quả cảm và thành tích của nữ trinh sát này, tôi đã về phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) gặp ông Đặng Văn Khá, người trực tiếp chỉ huy trận đánh.  

Ông Đặng Văn Khá (trái) và Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng. Ảnh: THÁI MỸ
Ông Đặng Văn Khá (trái) và Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng. Ảnh: THÁI MỸ

Cô gái “giữ em”

Hồ Diệp là Trưởng ban Mật vụ, Nha Cảnh sát Vùng 1 Chiến thuật, một chỉ huy có tầm cỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, nhà ở khu gia binh An Cư, quận 3. Diệp rất giỏi trong việc huấn luyện những người tham gia cách mạng bị địch bắt rồi phản bội, khai báo, đầu hàng để cài cắm trở lại nội bộ ta. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên tiêu diệt Diệp, ông Đặng Văn Khá, Trưởng ban An ninh quận 3 quyết định đưa nữ trinh sát Hồ Thị Phương đóng vai cô gái “giữ em” cho một gia đình gần nhà Diệp. Chẳng bao lâu, chị làm quen được hai con gái và vợ của Diệp. Dần dần cánh cổng kín bưng nhà Diệp hé mở để đón chị ra vào như người trong gia đình.  

Một sáng trung tuần tháng 3-1970, ông Khá gọi ông Trần Công Dũng, Đội trưởng Trinh sát vũ trang (sau này là Thượng tá, Anh hùng LLVTND) và chị Phương về xã Điện An, huyện Điện Bàn, Đặc khu Quảng Đà bàn kế hoạch. Tổ công tác thảo luận rất kỹ và đưa ra nhiều giả thuyết như nếu dùng mìn hẹn giờ đặt vào nhà Diệp thì dễ nhất nhưng độ chính xác không cao, có thể gây thương vong đến người thân, vợ con của hắn. Nếu dùng súng ngắn ám sát cũng chẳng khó, song không bảo đảm an toàn cho lực lượng trinh sát. Phương án cuối cùng được chọn là bí mật cài mìn hẹn giờ vào xe jeep của Diệp.

Cứ khoảng 7 giờ kém 15 và 13 giờ 15 hằng ngày, Diệp thường chở hai con cùng 1 đứa cháu và 1 trẻ hàng xóm qua Trường Sao Mai (Trường Trần Phú, địa điểm cũ) để học. Ông Khá yêu cầu Phương nắm kỹ lộ trình xe jeep của Diệp chạy từ nhà tới trường học bao nhiêu phút, từ Trường Sao Mai đến Trung tâm Thẩm vấn Thanh Bình mất bao lâu. Nếu không nắm chính xác thì phương án đặt mìn hẹn giờ không thể thực hiện.

Trở lại quận 3, Phương dùng xe Honda Dame C50 chạy với tốc độ tương đương xe jeep từ An Cư 3 qua Trường Sao Mai, rồi từ trường đến gần Trung tâm Thẩm vấn Thanh Bình để ước tính thời gian vận hành xe của Diệp. Có lần chị bí mật bám theo sau xe Diệp để nắm chắc lộ trình thì mới vỡ lẽ Diệp chở con, cháu đến trường xong, rẽ qua đường Lê Đình Dương để đón 2 sĩ quan ngụy rồi chạy qua chợ Cồn, rẽ đường Hùng Vương để xuống đường Bạch Đằng vào trụ sở CIA. Những ngày sau đó, chị theo dõi tiếp thì biết hằng ngày Diệp chủ yếu đến làm việc tại trụ sở đường Bạch Đằng, thỉnh thoảng mới tới Trung tâm Thẩm vấn Thanh Bình.

Tiếng nổ ở ngã tư chợ Cồn

Phương xin phép ông bà chủ rồi nhanh chóng quay vào xã Điện An. Tại đây, ông Dũng trực tiếp hướng dẫn chị sử dụng mìn hẹn giờ rồi quay về lại nội thành với công việc cô gái  “giữ em”. Ông Khá cử trinh sát lần lượt chuyển thuốc nổ, 2 kíp mìn vào nội thành cho Phương cất giấu. Một ngày đầu năm 1971, Phương bí mật tiếp cận và đặt mìn vào gầm xe Diệp đỗ trước cổng, song chị quên bấm hẹn giờ. Chiều hôm đó, chị lén gỡ quả mìn mang cất giấu.

Chiếc xe jeep của Hồ Diệp nổ tung tại ngã tư chợ Cồn (ảnh tư liệu).
Chiếc xe jeep của Hồ Diệp nổ tung tại ngã tư chợ Cồn (ảnh tư liệu).

Khoảng 13 giờ kém 15 ngày 9-2-1971, Diệp đánh xe jeep BKS VB.7616 đỗ trước nhà. Đứa con gái của Diệp đang chơi bi ở gần đó thì Phương nhanh chóng tiến sát. Chị cố tình đẩy viên bi của cháu bé chui tọt vào gầm xe jeep, lấy cớ nhặt bi giúp nên sà tới gầm xe hất viên bi ra rồi chớp thời cơ đặt quả mìn dưới ghế ngồi của Diệp và bấm kíp hẹn giờ.

Xe Diệp bắt đầu lăn bánh thả con trước cổng Trường Sao Mai, vòng qua đường Lê Đình Dương dừng lại để 2 sĩ quan an ninh ngụy bước lên, tiếp tục lao tới ngã tư chợ Cồn thì một tiếng nổ làm rung chuyển cả vùng, chiếc xe jeep khựng lại bốc khói ngùn ngụt, Diệp cùng 2 sĩ quan gục trên xe. Tiếng nổ còn làm 1 cảnh sát công lộ cũng chung số phận. Xe cảnh sát, quân cảnh ùn ùn kéo đến, tiếng còi hụ inh ỏi khắp phố phường.

Tối hôm đó, Đài BBC đưa tin: “Cộng sản đặt mìn vào xe Trưởng ban hoạt vụ Nha Cảnh sát Vùng I chiến thuật để hạ sát ông ta cùng 2 sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ngay giữa lòng Đà Nẵng”. Những ngày tiếp theo, chúng tung lực lượng cảnh sát đặc biệt lùng sục và bắt Phương đưa về Ty Cảnh sát Đà Nẵng xét hỏi. Tuy nhiên, Phương xuất trình căn cước mang tên Hồ Thị Phấn. Một tuần sau đó, chị được thả. Để bảo đảm an toàn, ông Khá rút ngay Phương ra tuyến ngoài, Ban Thường vụ Quận ủy quyết định kết nạp chị vào Đảng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khoảng 2 tháng sau, người con gái làng Châu Sơn, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đầy quả cảm ấy đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt khác.

THÁI MỸ
(ghi theo lời kể của ông Đặng Văn Khá)

 

;
;
.
.
.
.
.