Bảo đảm nguồn nước an toàn - Bài cuối: Khai thác nguồn nước mới, tăng cường trữ nước ngọt

.

Cùng với việc lấy nước ngọt ổn định, không lo nhiễm mặn ở sông Cu Đê và hệ thống thủy lợi An Trạch, các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất Đà Nẵng cần hướng đến khai thác nguồn nước ngọt an toàn, chất lượng của sông Thu Bồn ở khu vực cầu Giao Thủy, đồng thời tăng cường trữ nước ngọt nhằm bảo đảm khai thác nước với công suất lớn và an toàn, bền vững.

Trữ lượng nước lớn ào ạt chảy qua đập dâng Hà Thanh ra biển khi mực nước dâng cao hơn 2m, gây lãng phí nguồn nước ngọt nên cần thiết nâng cao cao trình cửa van để giữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trữ lượng nước lớn ào ạt chảy qua đập dâng Hà Thanh ra biển khi mực nước dâng cao hơn 2m, gây lãng phí nguồn nước ngọt nên cần thiết nâng cao cao trình cửa van để giữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cần nâng cao cao trình cửa van đập dâng An Trạch

Từ  thực tế vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch trong thời gian qua, có thể thấy, dù đã đóng kín các cửa van tại đập dâng An Trạch và các đập dâng khác, nhưng mực nước tại đập dâng vẫn thường hay hạ thấp xuống dưới mức 1,9m. Lúc này, mực nước của sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cũng hạ thấp, làm các trạm bơm đặt dọc sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa phải ngừng hoạt động, nhất là cụm thủy nông Ái Nghĩa.

Đặc biệt, có nhiều thời gian, cụm thủy nông Ái Nghĩa và các trạm bơm ở lân cận phải ngừng hoạt động hơn 24 giờ vì bể hút khô nước. Trong tương lai, khi thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tăng cường khai thác nguồn nước tại hệ thống thủy lợi An Trạch và dọc sông Vu Gia, việc nâng cao cao trình các cửa van lên thêm từ 10-40cm là giải pháp cần được tính đến để trữ thêm nước ngọt, không để xảy ra thiếu nước cục bộ phải dừng khai thác nước nhiều thời điểm như thời gian qua.

Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), nếu nâng cao trình cửa van tại hệ thống thủy lợi An Trạch lên 10cm, sẽ trữ thêm 300.000m3 nước, tương đương công suất cấp nước trong 1 ngày của thành phố Đà Nẵng hiện nay. Nếu nâng cao trình cửa van thêm 40cm, tương ứng với mực nước 2,4m, sẽ tích trữ trên các sông thêm 1,2 triệu m3 nước.

“Việc nâng cao cao trình cửa van của hệ thống thủy lợi An Trạch không những có lợi về mặt bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất và chủ động sử dụng nguồn nước, mà còn có thể dồn nước về đập dâng An Trạch để khống chế xâm nhập mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ, thậm chí là cứu NMN Cầu Đỏ khi cần thiết”, ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho biết.

Hệ thống thủy lợi An Trạch được khôi phục vào năm 2001 gồm các đập dâng: An Trạch, Bàu Nít, Hà Thanh, Thanh Quýt với cao trình mực nước thiết kế là 2m. Vào mùa cạn, các cửa van được đóng kín; khi mực nước cao hơn 2m, nước sẽ chảy qua các ngưỡng tràn về các sông nhỏ ở hạ du và chảy ra biển. Còn vào mùa bão lũ, các cửa van được mở để thoát lũ.

Trong 10 năm qua, khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn được xây dựng và đi vào hoạt động, tình trạng lũ lụt được các hồ thủy điện điều tiết, góp phần giảm lũ và cắt lũ cho hạ du. Do vậy, những lo ngại về lũ lụt khi nâng cao trình cửa van của hệ thống thủy lợi An trạch lên thêm từ 10 - 40cm cũng sẽ giảm bớt khi đã có các hồ thủy điện điều tiết lũ.

Mặt khác, khi mực nước tại hệ thống thủy lợi An Trạch cao hơn 2,4m (điển hình vào ngày 15-3-2020), có rất nhiều nước ngọt từ các đập dâng chảy ào ạt về các sông ở hạ lưu và chảy ra biển, nhất là ở đập dâng Hà Thanh.

Trong khi đó, chỉ có một thửa ruộng trũng nhỏ ở ven đường nối giữa đập dâng Hà Thanh và Bàu Nít bị ngập nước do cao trình mặt ruộng thấp hơn mực nước sông ở cao trình 2,4m. Như vậy, dễ dàng nhận thấy, nếu toàn bộ cửa van của hệ thống thủy lợi An Trạch được nâng cao lên thêm đến 40cm sẽ không những trữ được 1,2 triệu m3 nước trên các sông để cho các trạm bơm khai thác, mà còn giúp cao mực nước ngầm ở các cánh đồng ven các sông, giúp các cánh đồng này thêm trù phú, xanh tốt.   

Đặc biệt, khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam ủng hộ hoàn toàn việc nâng cao trình các cửa van của hệ thống thủy lợi An Trạch và đề xuất lắp đặt các cửa van lật tự động khi mực nước tại đập dâng cao hơn cao trình thiết kế, dù giải pháp này không giữ được nhiều nước như các hồ chứa, nhưng dễ thực hiện và có chi phí rất thấp.

Ông còn tiết lộ là một số cán bộ, nhân viên quản lý, vận hành đập dâng Bàu Nít đã “lén” nâng cao cao trình các cửa van của đập lên thêm 40cm. “Van ở đập dâng Bàu Nít được nâng lên 40cm mấy năm rồi, nhưng chúng tôi không nói. Việc này công ty không chỉ đạo nhưng anh em tiếc trữ lượng nước lớn chảy ra biển nên làm thêm để giữ nước lại. Tất cả cũng vì người dân”, ông Nguyễn Đình Hải nói.

Ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, cũng ủng hộ việc nâng cao cao trình các cửa van của hệ  thống thủy lợi An Trạch. Tuy nhiên, việc này cần có ý kiến thống nhất của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Lê Văn Sâm cũng thống nhất ý tưởng xây dựng thêm một số đập dâng bậc thang trên sông Túy Loan để bảo đảm cấp nước, phát triển nông nghiệp ở các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn và sẵn sàng trổ nước về NMN Cầu Đỏ trong tình huống khẩn cấp.

Thậm chí, có thể nghiên cứu xây dựng công trình dẫn nước từ sông Voi, một sông nhỏ ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) không bao giờ khô cạn về thượng lưu sông Túy Loan để vừa trữ nước, vừa nâng cao mực nước ngầm ở khu vực rộng lớn hai bên sông, giúp cho các vùng nông nghiệp thêm trù phú.

Khai thác nước ngọt tại cầu Giao Thủy, trữ nước trên sông Côn

Trước đây, chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, đã từng đề xuất Đà Nẵng cần xây dựng một tuyến đường ống dẫn nước sông Vu Gia từ khu vực cầu Hà Nha (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) về Đà Nẵng để sản xuất, cấp nước sinh hoạt vì nguồn nước ở đây sạch, chất lượng.

Tuy nhiên, vừa qua, ông Huỳnh Vạn Thắng lại đề xuất nghiên cứu xây dựng tuyến ống chuyển nước ngọt của sông Thu Bồn từ khu vực cầu Giao Thủy (huyện Đại Lộc) đưa về đập dâng An Trạch để sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

Trao đổi thêm về đề xuất này, ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, Đà Nẵng đang hướng khai thác nguồn nước sông Vu Gia tại hệ thống thủy lợi An Trạch trong những năm đến. Nhưng về tương lai, nhất là sau năm 2030, không thể khai thác hoàn toàn nguồn nước tại đây và sông Vu Gia vì thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sẽ đô thị hóa với tốc độ cao.

Chưa kể những nơi này sẽ có thêm các nhà máy và khu công nghiệp, chất lượng nguồn nước sẽ không còn sạch và không bảo đảm cấp nước cho ăn uống. Vì vậy, về lâu dài, Đà Nẵng cần hướng đến khai thác nguồn nước sông Thu Bồn tại khu vực cầu Giao Thủy ở xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc).

Theo đó, chỉ cần xây dựng tuyến ống chuyển tải nước từ khu vực này về đập dâng An Trạch với chiều dài khoảng 15km và thuận tiện đường sá. Đây cũng là xu hướng mà các đô thị lớn đều đang thực hiện, tức là khai thác nguồn nước ở khu vực xa, ít bị tác động của các nguồn xả thải, gây ô nhiễm.

Đà Nẵng khai thác nguồn nước tại sông Thu Bồn sẽ ổn định, bền vững cả trữ lượng lẫn chất lượng và cũng không còn phải va chạm với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) lẫn các chủ hồ thủy điện, nhất là thủy điện Đăk Mi 4.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, trong đó có giải pháp xây dựng một hồ chứa ở hạ lưu đập thủy điện Sông Côn 2 với dung tích hữu ích khoảng 43 triệu m3.

Tỉnh Quảng Nam sẽ tính toán cho việc đưa nguồn nước từ hồ chứa này về cấp nước cho thành phố Đà Nẵng. Theo đó, trữ lượng nước sau khi phát điện qua đập thủy điện Sông Côn 2 sẽ được giữ lại để điều tiết cho Đà Nẵng.

Tỉnh Quảng Nam cũng đang kêu gọi nhà đầu tư một nhà máy nước sạch có tính đến cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng. Đây là 2 giải pháp được tính toán rất dài hạn để bảo đảm cấp nước cho Đà Nẵng, một đô thị lớn ở  miền Trung. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đang tính đến xây dựng đập ngăn mặn cứng trên sông Thu Bồn để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn do nước biển dâng và khai thác nước ổn định, bền vững, thay vì năm nào cũng phải đắp một số đập tạm.

“Trước mắt, tỉnh phối hợp với thành phố Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện tính toán chính xác thời điểm xả nước của các hồ thủy điện để làm sao cho dòng nước chảy từ hồ thủy điện về đến hạ du kịp thời khống chế độ mặn, chứ  không dùng nước ngọt để đẩy mặn”, ông Trương Xuân Tý nói.

Với tình hình nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh, gây hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng gay gắt ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, nhất là tại Đà Nẵng, thành phố đang dần đầu tư xây dựng các công trình trạm bơm nước ngọt, đường ống dẫn nước ngọt, nhà máy xử lý nước…

Đồng thời, thành phố cần tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu các giải pháp xây dựng thêm hồ chứa, tuyến ống dẫn nước ngọt để bảo đảm khai thác nước ngọt về lâu dài; nghiên cứu các giải pháp trữ nước ngọt để vừa bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất, vừa nâng cao mực nước ngầm giúp cho các vùng nông nghiệp thêm trù phú và chủ động sử dụng nguồn nước dự phòng khi cần thiết.

Vào chiều 5-3-2020, tại hội thảo tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2019 và đề xuất kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của 2 địa phương nghiên cứu việc khai thác nước sông Thu Bồn tại cầu Giao Thủy cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng để có cơ sở triển khai thực hiện, bảo đảm cấp nước an toàn, chất lượng cho thành phố Đà Nẵng.

Triển khai các giải pháp cần thiết ứng phó tình hình nhiễm mặn

Sở Xây dựng đang triển khai các giải pháp cần thiết nhằm ứng phó tình hình nhiễm mặn trên địa bàn thành phố. Theo đó, để bảo đảm cấp nước an toàn trong thời gian đến, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án ứng phó với tình hình nhiễm mặn như hiện nay, bao gồm các giải pháp gia cố, chống sạt lở bờ sông (nếu cần thiết) trong trường hợp chặn toàn bộ dòng chảy trên sông Cẩm Lệ; khảo sát kỹ chất lượng tuyến ống nước thô hiện trạng để khai thác tối đa công suất hoạt động của trạm bơm phòng mặn An Trạch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó sự cố về nguồn nước sinh hoạt; đồng thời thông báo cho người dân bằng tin nhắn về việc sử dụng nước tiết kiệm và dự trữ nước trong thời điểm hạn hán, dịch bệnh.

Công văn cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên giám sát chất lượng, lưu lượng nước trên sông Cẩm Lệ và đập An Trạch để kịp thời tham mưu UBND thành phố yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn xả nước đẩy mặn nhằm bảo đảm nguồn nước thô cho 2 Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay.

UBND các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo UBND các phường, xã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước và có phương án dự trữ nước phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng gia đình trong thời gian cách ly xã hội.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.