Đà Nẵng đang vào mùa nắng, tình hình cháy nổ sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy, song song với việc phòng, chống Covid-19, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần được tăng cường.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an thành phố, trong quý 1 năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 50 vụ cháy, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Điển hình, khoảng 2 giờ sáng ngày 7-3, người dân phát hiện vụ cháy tại quán cà-phê Nấm, số 235 Đống Đa (quận Hải Châu) nên tri hô báo cháy. Lúc này, quán cà-phê khóa cửa phía trước, không có người bên trong, người dân mặc dù đã phá được khóa nhưng ngọn lửa bùng phát mạnh nên không thể tiếp cận. Đám cháy sau đó được dập tắt bởi lực lượng Cảnh sát PCCC, song vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản, ước tính hàng trăm triệu đồng.
Rạng sáng 11-3, tại số 224 Lê Thanh Nghị (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) xảy ra hỏa hoạn. Căn nhà này bên dưới là salon làm tóc, kết hợp để xe máy của người thuê trọ, hai tầng trên là các phòng trọ. Vào thời điểm xảy ra cháy, nhà trọ có 6 sinh viên lưu trú. Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động xe chữa cháy đến hiện trường triển khai phương án dập lửa. Sau nhiều nỗ lực chữa cháy, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt. Theo thống kê của gia chủ, vụ cháy đã thiêu rụi 14 xe máy và khu vực salon tóc, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố, hầu hết các vụ cháy đều xuất phát từ việc bất cẩn, vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ của người dân trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, nhất là việc đốt rác không kiểm soát. Để bảo đảm an toàn PCCC, đặc biệt trong mùa nắng nóng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo đối với người dân, tuyệt đối không đốt rác ở những nơi cấm đốt, nơi có nguy cơ cháy lan, ảnh hưởng đến tài sản của các doanh nghiệp và cơ quan, Nhà nước.
Khi đốt rác phải có người trông coi, kiểm soát, sau khi đốt xong phải tưới nước, bảo đảm đám cháy không phát sinh. Khi xảy ra cháy, nổ phải gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời, tránh xảy ra cháy lớn, cháy lan. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhằm phòng, chống Covid-19) phải bảo đảm chế độ thường trực, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC, các phương tiện chữa cháy tại chỗ và cứu nạn, cứu hộ, kiểm tra nguồn nước dự trữ phục vụ chữa cháy...
NGỌC PHÚ