Từ Bình Quý (Thăng Bình, Quảng Nam), chị Nguyễn Thị Mai cùng con trai và con dâu ra Đà Nẵng kiếm việc làm được 2 năm nay. Mọi việc khá ổn khi cả ba đều có công việc ổn định cho đến sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, mọi chuyện đảo lộn khi Covid-19 xuất hiện, cả gia đình cùng thất nghiệp.
Thành viên của nhóm Nồi cháo Hạnh Nguyện tham gia hiến máu nhân đạo do UBND quận Thanh Khê tổ chức. Ảnh: T.S |
Trong lúc lo lắng không biết tiền đâu ăn và trả nhà trọ, thì một người chủ trước đây chị Mai từng giúp việc đã gọi cả nhà chị Mai về căn nhà trước cho thuê ở trọ miễn phí. Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai xúc động nói: “Căn nhà này lúc cao điểm có giá cho thuê là 25 triệu đồng, còn lúc này thấp lắm cũng 10-15 triệu đồng/tháng, vậy mà cô chủ cho cả nhà tôi ở không lấy tiền. Có nhà rồi, hai tháng nay tôi chuyển sang đi lượm ve chai mỗi ngày cũng kiếm đủ cơm cho ba mẹ con, còn chút ít gửi về cho ba mấy đứa nhỏ đang ở quê không làm gì được vì bệnh tim”.
Tương tự, trường hợp của chị Lê Thị Lệ, ở Đức Nhuận (Mộ Đức, Quảng Ngãi), 3 năm qua, nhờ bán vé số ở Đà Nẵng (thu nhập trung bình 150.000 - 200.000 đồng/ngày), kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn. Song khi Covid-19 ập đến, công việc từ chỗ giảm thu nhập đến tạm ngưng khiến đời sống gia đình chị ảnh hưởng rất nhiều. Đang loay hoay chưa biết tính sao thì chủ đại lý vé số đã thông báo sẽ cho mỗi người bán vé số ứng trước 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Chị xúc động cho biết: “Trước mắt, tôi sẽ gửi tiền này về quê cho mấy cha con tiêu tạm, còn bản thân tôi sẽ cố gắng tìm một việc gì đó làm chờ ngày Nhà nước cho bán vé số trở lại”.
Theo chị Trần Thị Ni, người phụ trách nhóm Nồi cháo Hạnh Nguyện, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh bức tranh màu xám của nền kinh tế, cũng là lúc tinh thần tương thân tương ái được thể hiện nhiều hơn bao giờ hết. Gần 10 năm nay, nhóm cháo Hạnh Nguyện luôn có khoảng 150 người đóng góp tiền, để mỗi tháng 2 lần phát cháo ở Bệnh viện Ung bướu và 2 lần ở Bệnh viện Đà Nẵng với tổng số trên 1.500 suất.
Hai tháng nay, khi Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng phát cháo tại bệnh viện, thì số người góp tiền cho Nồi cháo Hạnh Nguyện không những giảm mà lại tăng lên gần 200 người. Điều rất cảm động là nhiều người lao động nghèo, không có tiền đã tìm đến nhóm đề nghị góp công nấu cháo, vận chuyển và phát cháo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở 2 bệnh viện. Đặc biệt mới đây, khi quận Thanh Khê phát động hiến máu nhân đạo, có khá nhiều người lao động nghèo tham gia, với mong muốn bệnh viện có đủ máu để cứu chữa kịp thời cho người bệnh.
Ông L.V.H, hội viên Hội Từ thiện phường Hải Châu 2 - người tham gia phân phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho người lao động nghèo trong phường mới đây đã xúc động kể lại chuyện có rất nhiều người lao động nghèo trên địa bàn phường đã từ chối nhận khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, vì họ đã có đủ dùng và đề nghị chuyển phần quà này đến lực lượng đang trực tiếp chống dịch. Nhiều người đề nghị phường có hoạt động nào trong mùa dịch thì gọi, họ sẵn sàng tham gia ngay…
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, các cấp ngành, đoàn thể giúp người dân trước những hệ lụy của dịch bệnh, có một dòng chảy khá âm thầm với những hành động đầy tình thương yêu, trách nhiệm cộng đồng của những người lao động nghèo. Dòng chảy này tạo nên những ấm áp, khích lệ những niềm tin cùng vượt qua dịch bệnh.
Thanh Vân