Đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn

.

Hiện nay, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước, hàng chục năm sau chiến tranh, tai nạn do bom mìn vẫn còn xảy ra gây nên nỗi đau cho nhiều gia đình. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào để mang lại hiệu quả vẫn là vấn đề cần bàn.

Theo số liệu từ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (Trung tâm) thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố, người khuyết tật là nạn nhân bom mìn trên địa bàn thành phố hiện có 334 người, tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung tâm đã hỗ trợ sinh kế cho 11 hộ gia đình tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang với tổng kinh phí 88 triệu đồng. Trong tổng số 11 gia đình người khuyết tật tiếp nhận hỗ trợ có 7 gia đình có nhu cầu được hỗ trợ sinh kế trồng rau hữu cơ.

Việc trồng rau hữu cơ giúp cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình nạn nhân bom mìn. 4 gia đình nạn nhân bom mìn còn lại cũng được hỗ trợ chăn nuôi bò giống, gà giống, trồng cây ăn quả và máy móc để trồng nấm ăn. Ngoài ra, nhiều địa phương còn tập huấn hướng dẫn người khuyết tật phương pháp, kỹ thuật trồng trọt tạo thực phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường giúp người khuyết tật có nguồn thu nhập từ nghề nông nghiệp trồng trọt hoa màu, cây lương thực. Nhiều hoạt động trợ giúp sinh kế, tập huấn, tư vấn truyền thông… đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình người khuyết tật là nạn nhân bom mìn.

Thực tế, dù thành phố đã có những cố gắng, nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bom mìn nhưng hiện nay hầu hết đời sống của họ vẫn còn khó khăn; đa số không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Phần lớn nạn nhân bom mìn đều yếu về sức khỏe, có nhu cầu được hỗ trợ nhiều hơn về mặt y tế để phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. Nên chăng, thành phố cần đa dạng hóa những loại hình dịch vụ trợ giúp xã hội cho người khuyết tật là nạn nhân bom mìn phù hợp với nhu cầu, sát với thực tiễn đời sống tại cộng đồng địa phương.

Hỗ trợ sinh kế để người khuyết tật là nạn nhân bom mìn có thể trồng rau, chăn nuôi là giải pháp thiết thực để giúp người khuyết tật là nạn nhân bom mìn có thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần tính đến việc giúp họ tìm đầu ra cho sản phẩm để các mô hình nuôi, trồng phát huy được hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định cho họ. Việc hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn hiện nay vẫn còn ít so với số lượng nạn nhân bom mìn hiện có trên địa bàn thành phố. Như vậy, làm thế nào để có thể huy động thêm nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ cho nhiều nạn nhân bom mìn bị khuyết tật hơn nữa là điều cần quan tâm.

Để làm được điều đó, thành phố cần có cuộc tổng điều tra rà soát về thực trạng đời sống nạn nhân bom mìn để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, thiết thực và dài hơi hơn để hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn các kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho hội viên các tổ chức xã hội, đoàn thể, cán bộ lao động-thương binh-xã hội tại các địa phương để triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

HƯƠNG SEN

;
;
.
.
.
.
.