Những năm qua, mô hình “Nghĩa tình Thuận Phước” được phường Thuận Phước triển khai thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia, tạo nên một “thương hiệu” riêng có của địa phương trong nhiều năm liền.
Mô hình “Nghĩa tình Thuận Phước” thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Trao quà cho trẻ em vượt khó học tốt trên địa bàn phường nhân dịp trung thu năm 2019. |
Được triển khai thực hiện từ năm 2009, những năm đầu, mô hình “Nghĩa tình Thuận Phước” đơn thuần là việc tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng định kỳ nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, kết hợp phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” của phường (Quỹ “Nghĩa tình Thuận Phước”).
Đến năm 2016, để nâng cao chất lượng mô hình, Đảng ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề, qua đó thống nhất giữ nguyên tên gọi mô hình “Nghĩa tình Thuận Phước” nhưng yêu cầu phải đa dạng hóa hình thức tổ chức thành một chuỗi các hoạt động trải đều trong năm gắn liền các nhiệm vụ chính trị của địa phương và chương trình hành động cụ thể của các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trong phường. Nhờ đó, mục tiêu, quy mô, hình thức, đối tượng hướng đến của mô hình được mở rộng và đi vào chiều sâu theo từng công việc và các hoạt động.
Nhân các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán hằng năm, UBND phường chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu giúp việc Đảng ủy, Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội phường và các khu dân cư tổ chức chương trình “Tết nghĩa tình, Xuân yêu thương”, “Bánh chưng xanh”... để trao qua bằng hiện vật cho các hộ chính sách, hộ nghèo, hộ có có hoàn cảnh khó khăn. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác hằng năm, địa phương thường tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng sôi nổi, đa dạng với sự tham gia của các đơn vị kết nghĩa, các cơ sở tôn giáo và khu dân cư trong phường, qua đó lồng ghép vận động Quỹ “Vì người nghèo” và trao quà cho các đối tượng hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng chỉ đạo, giao Mặt trận, các hội đoàn thể chính trị - xã hội phường tiếp tục duy trì, nhân rộng nhiều cách làm hay như mô hình “Nuôi heo đất” trao học bổng “Ước mơ xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; thành lập CLB cắt tóc miễn phí cho hội viên, người cao tuổi đi lại khó khăn của Hội Cựu chiến binh; thành lập CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với giúp đỡ hội viên tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nông dân; Đoàn Thanh niên phường duy trì các hoạt động “Về nguồn”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhân các dịp lễ, Tết...
Với cách triển khai đồng bộ, nhất quán, sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã nên tạo hiệu ứng lan tỏa của mô hình này trong cộng đồng. Nhờ đó, việc vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương có phần thuận lợi hơn. Tổng nguồn thu sau 5 năm hơn 1,7 tỷ đồng, bình quân đạt 109,7%/năm so với kế hoạch quận giao; qua đó đã chi hơn 1,61 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo.
Đơn cử như gia đình bà Phạm Thị Đào, tổ dân phố số 5. “Gia đình tôi được phường hỗ trợ từ Quỹ “Nghĩa tình Thuận Phước” số tiền 15 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà khỏi ẩm dột vào mùa mưa. Các con tui đi học đều được hỗ trợ học bổng hằng năm. Ngoài ra phường còn hỗ trợ khó khăn đột xuất, trao quà các dịp lễ, Tết giúp gia đình thoát nghèo”, bà Đào nói. Hay như hộ bà Phạm Thị Hà ở tổ dân phố số 24 đã được địa phương quan tâm hỗ trợ 15 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Nghĩa tình Thuận Phước” để sửa chữa nhà, hỗ trợ học bổng cho 3 con với tổng số tiền 10 triệu đồng. Đến nay, gia đình bà Hà đã thoát nghèo bền vững… Trên địa bàn phường không có trường hợp học sinh bỏ học vì lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Lê Thanh Hùng cho biết: “Mô hình “Nghĩa tình Thuận Phước” không chỉ dừng lại ở một hoạt động cụ thể mà xuất phát từ những cách làm hay, những hoạt động trợ giúp thiết thực, phù hợp các nhóm đối tượng trong từng thời điểm, là mô hình theo hướng mở đầy tính nhân văn, nhân ái. Trong thời gian đến, mô hình hứa hẹn sẽ tiếp tục được nâng tầm và phát huy những giá trị vốn có để góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.
TRẦN NAM ANH