Bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc: Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật

.

Theo quy định tại điều 9, Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16-2-2016 của Bộ Tài chính đề cập mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn do ô-tô gây ra. Còn mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do mô-tô hai bánh, mô-tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Theo nhiều người dân, thủ tục đền bù bảo hiểm xe máy còn nhiêu khê, từ khai báo, giám định, đến xác định nguyên nhân tai nạn. TRONG ẢNH: Một vụ tai nạn do va chạm giữa xe máy với ô-tô. 	     	         Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Theo nhiều người dân, thủ tục đền bù bảo hiểm xe máy còn nhiêu khê, từ khai báo, giám định, đến xác định nguyên nhân tai nạn. TRONG ẢNH: Một vụ tai nạn do va chạm giữa xe máy với ô-tô. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỷ đồng; tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%. Một con số quá thấp, khiến cho người dân nghi ngờ về vai trò đền bù của các đơn vị bảo hiểm. Như vậy, khúc mắc chính ở đây nằm ở điểm nào? Người dân không mua bảo hiểm bắt buộc hay cơ quan chi trả bảo hiểm còn đặt ra quá nhiều yếu tố để không phải chi trả? Số liệu do cơ quan quản lý bảo hiểm cung cấp cho thấy, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn thấp, đạt khoảng 30% (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với ô-tô (trong tổng số trên 3 triệu ô-tô).

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông quốc gia, ước tính trong năm 2019, với hơn 3.000 người tử vong do tai nạn trong khi lưu thông bằng xe máy thì con số đền bù phải hơn 189 tỷ đồng, trong khi đó mức chi trả bồi thường của năm 2019 là 45 tỷ đồng. Đó là chưa kể hơn 22.000 người bị thương do tai nạn giao thông (năm 2019). Điều này cho thấy, việc mua bảo hiểm bắt buộc và việc được chi trả bồi thường khi xảy ra tai nạn chưa có điểm gặp nhau... và một trong những khó khăn khác thường gặp là chưa có sự thống nhất giữa người mua bảo hiểm và đơn vị bán bảo hiểm.

Theo anh Trần Quốc Dũng (ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), một người mua bảo hiểm xe máy, khi mua bảo hiểm thì rất dễ nhưng khi làm thủ tục đền bù lại rất khó. Xe anh và 1 xe máy khác đã xảy ra tai nạn và được cơ quan công an kết luận nguyên nhân và cấp hồ sơ. Tuy nhiên, trong việc thỏa thuận dân sự thì bên thứ ba (bên bị thiệt hại) yêu cầu sửa chữa tại một gara nhưng đơn vị bán bảo hiểm lại chỉ định bắt buộc sửa chữa tại một gara khác. Anh và bên thứ ba đã yêu cầu đơn vị bán bảo hiểm giám định thiệt hại và bồi thường bằng tiền, song phía đơn vị bán bảo hiểm lại không phối hợp.

Trong khi đó, anh Đặng Ngọc Phùng (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, anh bị tai nạn xe máy, hư hỏng hơn 30% giá trị chiếc xe, nhưng khi làm bảo hiểm với quá nhiều thủ tục nhiêu khê, từ khai báo, giám định, đến xác định nguyên nhân tai nạn... Sau gần 10 lần đi lại, anh đã bỏ luôn yêu cầu bồi thường bảo hiểm, mặc dù anh có giấy bảo hiểm xe máy bắt buộc và giấy tờ đầy đủ, đi đúng phần đường, làn đường theo quy định.

Theo đánh giá của Thạc sĩ Mai Văn Phương (Công ty luật Golden Mission Faw Đà Nẵng), hiện nay một số quy định về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.

Theo ông Nguyễn Bá Bách, Phó Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA, trên thực tế, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Điều kiện bồi thường bảo hiểm cũng phải tuân theo các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường đối với các trường hợp như: chủ phương tiện cố ý gây thiệt hại, tai nạn của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe; lái xe không có giấy phép lái xe (GPLX) hợp lệ, hoặc GPLX không phù hợp với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX...

Theo quy định, khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, việc bồi thường cho người được bảo hiểm sẽ được thực hiện từ 10-15 ngày, tùy theo tính chất vụ việc. Bên cạnh đó, để được bồi thường, khách hàng cần phải hoàn tất một bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường với các loại giấy tờ như: Tờ khai thông báo tai nạn (theo mẫu); bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, CMND; tài liệu chứng minh thiệt hại về người tùy theo mức độ thiệt hại; tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản... Tuy nhiên, hiện nay người dân thường thiếu một số loại hồ sơ, hóa đơn, chứng từ như giấy khám chữa bệnh, hóa đơn y tế gốc...

Do đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật để khai thông quá trình chi trả bảo hiểm, bảo đảm quá trình khai báo, xác nhận, đền bù được thực hiện một cách nhanh chóng và tiện lợi. Song song đó, siết chặt các quy định để phòng, chống gian lận trong lĩnh vực này.

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích