Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình thành phố '5 không', '3 có' và '4 an'

.

Ngày 3-6,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì hội thảo chuyên đề về Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” nhằm đánh giá kết quả đạt được của các chương trình, đồng thời lấy ý kiến đóng góp để các chương trình phát huy hiệu quả tốt hơn.

Báo cáo tại hội thảo cho biết, thành phố Đà Nẵng sau khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành đơn vị trực thuộc Trung ương, phải đối diện với nhiều vấn đề về xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế lẫn bảo đảm an sinh xã hội.

Xuất phát từ thực tế này, năm 2000, thành phố đã đề ra Chương trình thành phố “5 không”. Kết quả, về mục tiêu “Không có hộ đói”, chỉ sau 2 năm, thành phố đã cơ bản xóa hết hộ đói; mục tiêu “Không có người mù chữ” đã đạt được kết quả khả quan và chuyển sang mục tiêu cao hơn “Không có học sinh bỏ học” ; mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” đã được thành phố thực hiện khá tốt và duy trì kết quả này suốt những năm qua bằng việc xử lý nhanh tình trạng này; mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” và mục tiêu “Không có giết người để cướp của” là những mục tiêu rất khó hoàn thành triệt để, nhưng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân, thành phố đã kiểm soát khá tốt hai vấn đề này.

Về Chương trình “3 có”, với mục tiêu “Có nhà ở”, thành phố đã đầu tư xây dựng các ký túc xá, chung cư... với tổng số gần 10 ngàn căn hộ, góp phần giảm áp lực về chỗ ở cho người dân. Về mục tiêu “có việc làm”, hằng năm thành phố tạo việc làm mới cho gần 30 ngàn vị trí việc làm, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp.

Mục tiêu “Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” đã góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng thành phố văn minh, người dân có ý thức thực hiện các quy định về văn hóa. Chương trình “4 an” qua  5 năm triển khai thực hiện cũng đã đạt được kết quả nhất định. Thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp các nút giao thông, góp phần giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông; công tác quản lý về an toàn thực phẩm đã được tăng cường thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, tuyên truyền người dân “nói không” với thực phẩm không an toàn. Các chương trình về an sinh xã hội cũng đã được các địa phương, các cấp, ngành quan tâm chung tay thực hiện để bảo đảm cuộc sống người dân ngày một tốt hơn.

Nhìn chung các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” đã góp phần tạo nên thương hiệu giúp Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống”, trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương học tập. Tuy có những thành công như vậy, nhưng cùng với thời gian, với sự thay đổi rất nhanh của tình hình trong và ngoài nước, cũng như để đáp ứng sự phát triển ngày càng cao hơn thì nhiều chương trình đã bộc lộ hạn chế.

Góp ý tại hội thảo, ông Võ Công Trí, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố cho rằng, cần nghiêm túc xem xét lại để “nâng cấp” các chương trình này lên nhằm đáp ứng sự mong mỏi của người dân cũng như theo kịp những thay đổi của xã hội. Đặc biệt, Covid-19 đang diễn ra, nên chăng thành phố đưa thêm yếu tố “an toàn” vào các chương trình.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đề xuất, trong tình hình mới hiện nay, thành phố có thể bỏ chương trình “3 có” và chuyển các mục tiêu này vào chương trình “5 không” và “4 an”. Đặc biệt, thành phố nên mạnh dạn đưa ra những mục tiêu cao hơn, để làm động lực phấn đấu.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố lại cho rằng, nên giữ nguyên cả 3 chương trình này vì bản thân cả 3 chương trình này đã bao hàm tất cả vấn đề về an sinh, văn hóa, an ninh trật tự xã hội.

Ở góc độ người nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhận định, hầu hết các mục tiêu của 3 chương trình vẫn là các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của sự thành công hay chưa thành công của các mục tiêu này có nguồn gốc từ vấn đề kinh tế. Vì vậy, cần xem xét các yếu tố về kinh tế khi thực hiện các vấn đề xã hội, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn...

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của đại biểu gợi mở cho thành phố nhiều vấn đề quan trọng để có sự điều chỉnh, bổ sung trong việc thực hiện các chương trình trong thời gian đến.

Trước mắt, các sở, ban, ngành liên quan có văn bản báo cáo cụ thể cũng như những đề xuất gửi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp cùng với các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo để trình UBND thành phố xem xét, báo cáo Thường trực Thành ủy có ý kiến chỉ đạo thực hiện các chương trình trong thời gian đến.

T.S

;
;
.
.
.
.
.