Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc xây dựng thành phố an bình, hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác này vẫn còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi các ngành chức năng đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những giải pháp bảo vệ trẻ em. Trong ảnh: Ngày hội gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức năm 2019. Ảnh: HÀ THU |
Theo số liệu thống kê của Công an thành phố, từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 64 vụ, gồm 108 đối tượng xâm hại trẻ em (106 đối tượng nam); tổng số trẻ em bị xâm hại là 65 em (49 trẻ em gái). So với giai đoạn từ năm 2011-2015, giảm 50 vụ (64/114 vụ) và 55 đối tượng (108/163 đối tượng), trẻ em bị xâm hại giảm 54 em (65/119 em). Tuy con số có giảm so với trước đây, nhưng vẫn tồn tại một số vụ án xâm hại trẻ em nghiêm trọng xảy trên địa bàn thành phố gây bức xúc dư luận như: vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu năm 2014 và phải mất 5 năm mới đưa ra ánh sáng; vụ bạo hành trẻ em tại chủ cơ sở giữ trẻ tư nhân “Mẹ Mười” trên địa bàn phường Chính Gián (quận Thanh Khê) năm 2018…
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Có những trường hợp được phát hiện rất nghiêm trọng, con số thực tế về xâm hại khó thống kê được. Bởi chúng ta thường nghĩ xâm hại tình dục mới là xâm hại, nhưng trên thực tế, xâm hại gồm nhiều hình thức: xâm hại thể chất, tinh thần, xâm hại tình dục và cả việc xao nhãng đối với trẻ em. Xâm hại trẻ em thể có thể xảy ra bằng nhiều biểu hiện, ở nhiều mức độ khác nhau. Các hành vi có sự động chạm cơ thể từ “nhẹ” như ôm ấp, hôn, vuốt ve... đến “nặng” như cởi quần áo, sờ mó, cấu véo vùng kín của trẻ đều được xem là hành vi xâm hại tình dục”.
Cũng theo Tiến sĩ Phương, không chỉ bị xâm hại tình dục, trẻ em còn bị xâm hại về mặt tinh thần. Điều này xảy ra hằng ngày và gây tổn thương nặng nề đến tâm lý trẻ em, tuy nhiên hầu hết các bậc phụ huynh ít quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ, trẻ thường xuyên bị bố mẹ la mắng khi trẻ mắc lỗi. Về mặt tâm lý, khi trẻ thường xuyên bị la mắng, chê trách, miệt thị bởi những người thân thì trẻ sẽ cảm nhận mình mất giá trị, không được yêu thương từ đó trẻ sẽ có những suy nghĩ, hành động tiêu cực và tình huống xấu nhất là trầm cảm nặng phải tìm đến cái chết.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) giai đoạn 2015-2019, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó có tội phạm về xâm hại trẻ em. Đồng thời, tập trung các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức trong các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư, nhất là trẻ em, gia đình, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; phát triển hệ thống, dịch vụ bảo vệ trẻ em...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, trong thời gian đến, thành phố cần rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, tăng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa xã hội. Các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi phạm tội xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, hội đoàn thể, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt Luật Trẻ em, các văn bản pháp luật liên quan về công tác Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-4-2020 của Thành ủy về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em…
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 (từ ngày 1-6-2020 đến ngày 30-6-2020) với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Trong tháng này, các cấp, các ngành tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ- CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các chương trình, kế hoạch có liên quan. Đẩy mạnh truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để cơ quan, tổ chức, người dân, trẻ em biết, liên hệ khi có nhu cầu thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và khi cần sự trợ giúp... |
HÀ THU