Bằng cách vận động “mưa dầm thấm lâu”, nhiều khu dân cư (KDC) trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện tốt việc không đốt, rải vàng mã, vật cúng ra đường gây ô nhiễm môi trường.
Tuyến đường Thái Thị Bôi (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) sạch, đẹp nhờ người dân nói không với rải gạo, muối, vật cúng ra đường. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Từ hai năm nay, 100% hộ dân tại KDC số 9 (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) đã nói không với đốt vàng mã. Theo bà Ngô Thị Minh Tuệ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) số 9, toàn KDC có 43 hộ với hơn 170 nhân khẩu. Năm 2018, phường Hòa Thuận Tây chọn KDC số 9 làm thí điểm mô hình “KDC nói không với đốt vàng mã”. Từ đây, các thành viên cốt cán trong KDC có thêm nhiệm vụ vận động nhân dân “nói không với đốt vàng mã trong KDC”.
Thời gian đầu, nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen cũ, “lắc đầu” trước lời tuyên truyền của các thành viên đi vận động. “Chúng tôi phân tích, chỉ rõ mặt lợi, hại của việc đốt vàng mã trong KDC. Trước hết, đốt vàng mã gây lãng phí tiền của, là lấy tiền thật đổi lấy tiền giả. Tiếp đến là gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường trong KDC và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là vào mùa nắng nóng”, bà Tuệ nói.
“Mưa dầm thấm lâu”, dần dà, 100% hộ dân trong KDC đã bỏ thói quen đốt, rải vàng mã trong KDC. Không những thế, các thành viên cốt cán trong KDC còn thành công trong việc vận động hộ bà Đinh Thị Hoài Thanh ngừng kinh doanh mặt hàng vàng mã. Bà Thanh là hộ kinh doanh mặt hàng vàng mã, đồ cúng với quy mô lớn từ nhiều năm nay. Đây là nguồn kinh tế chính, là miếng cơm manh áo của cả gia đình bà Thanh. Vì thế, thời gian đầu khi KDC vận động ngừng bán, bà Thanh không đồng ý.
Để vận động được, cứ đều đặn hằng ngày hoặc những lần gặp bà Thanh đi thể dục, đi chợ, bà Tuệ cùng Trưởng ban Công tác Mặt trận KDC số 9 là bà Đặng Thị Kim Hồng lại tỉ tê vận động. Mất hơn 1 tuần, bà Thanh mới xuôi xuôi, dần hiểu ra mặt được, mất của việc đốt vàng mã nên quyết định ngừng bán. Sau khi nghỉ kinh doanh mặt hàng vàng mã, bà Thanh chuyển sang làm dịch vụ cho thuê nhà, kinh tế gia đình ổn định hơn trước.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, Đặng Văn Hiếu, hiện nay, bên cạnh KDC số 9 đã nói không với đốt vàng mã, các TDP số 10, 13, 14 đang tiếp tục vận động người dân không đốt vàng mã, tiến tới nhân rộng mô hình ra 52 TDP trên địa bàn phường. Không chỉ vận động trong nhân dân, phường Hòa Thuận Tây cũng tích cực vận động các cơ quan công quyền của phường như: Trạm Y tế, công an, quân sự không đốt vàng mã trong các dịp cúng; vận động trong cán bộ, công chức phường không đốt vàng mã tại nhà.
Tại phường Thạch Thang, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/ĐU ngày 2-8-2016 về xây dựng KDC “kiểu mẫu về văn hóa, văn minh đô thị”, các KDC trên địa bàn phường từng bước “nói không với đốt, rải vàng mã trong KDC”. KDC Thuận Lập B17 là một trong 2 KDC đầu tiên thực hiện nói không với đốt, rải vàng mã ra đường. Theo đó, KDC vận động 100% hộ dân trang bị đồ đựng khi đốt, rải vàng mã, đồ cúng; tuyệt đối không đổ trực tiếp ra đường, từng bước tiến tới vận động người dân không đốt, rải vàng mã trong KDC.
Đơn cử, những năm trước đây, đều đặn tháng nào bà Lê Thị Lan (trú KDC Thuận Lập B17, phường Thạch Thang) cũng cúng, đốt vàng mã 2 lần vào ngày Rằm và mồng Một âm lịch hằng tháng. Từ khi được KDC vận động thực hiện các tiêu chí về xây dựng KDC “kiểu mẫu về văn hóa, văn minh đô thị”, được nghe phân tích về tác hại của việc đốt vàng mã, bà Lan dần bỏ thói quen này. “Đúng là việc đốt vàng mã cũng tốn kém rất nhiều. Nếu tính ra mỗi tháng cúng, đốt 2 lần, mỗi lần tốn khoảng 30.000 đồng thì một năm cũng tốn một khoản kha khá. Chưa kể mỗi lần đốt còn tạo ra mùi khét rất khó chịu, mà lợi ích mang lại thì rất... mơ hồ. Nên tôi thấy việc “nói không với đốt vàng mã” là hợp lý”, bà Lan chia sẻ.
Phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cũng là địa phương làm tốt công tác vận động nhân dân “nói không với đốt, rải vàng mã”. Năm 2014, từ thực tế cuộc vận động “Toàn dân đoàn kểt xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đề án xây dựng “Quận Thanh Khê - Quận môi trường”, Mặt trận phường Chính Gián đề xuất xây dựng và đưa vào thực hiện mô hình “4 không - 4 nên”, trong đó chú trọng tiêu chí “không đốt giấy vàng mã khi không có thùng và không rải gạo muối ra đường”.
Tính đến nay, đa phần 100% hộ dân trên địa bàn phường đã thực hiện nghiêm việc không rải gạo, muối, vật cúng ra đường; trang bị thùng đốt giấy vàng mã. Trên đà đó, những năm qua, Mặt trận phường Chính Gián phối hợp với các chùa trên địa bàn phường tổ chức các buổi nói chuyện, lồng ghép tuyên truyền nội dung không đốt vàng mã trong các ngày lễ, cúng; nói rõ nguồn gốc; lợi, hại của việc đốt vàng mã. Nhờ đó, nhiều KDC trên địa bàn phường đã “nói không với đốt vàng mã”.
HUY HOÀNG