Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025

.

Từ số báo hôm nay (thứ Hai, ngày 15-6-2020), Báo Đà Nẵng mở chuyên mục Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Báo Đà Nẵng trân trọng kính mời cán bộ, đảng viên, nhân dân và quý bạn đọc cùng góp ý. Mọi ý kiến góp ý xin gửi về tòa soạn Báo Đà Nẵng, số 33 Lê Lợi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hoặc qua email: tsbaodanang@gmail.com.

Mở đầu chuyên mục này, Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố.

So với hoạt động văn học nghệ thuật thì hoạt động khoa học kỹ thuật được nêu nhiều hơn trong phần thứ nhất của Dự thảo. Ở trang 12, thành tựu về hoạt động văn học nghệ thuật 5 năm qua được ghi nhận: “Hoạt động sáng tác, biểu diễn văn học, nghệ thuật dần nâng cao chất lượng và có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.

Tuy nhiên, nếu như đóng góp của các văn nghệ sĩ thành phố được đánh giá trong trang 12 và trang 13 rằng: “Đội ngũ văn nghệ sĩ giàu sức sáng tạo, luôn đồng hành trong việc tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và thành phố; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”; thì các nhà khoa học thành phố - chủ thể đích thực của những thành tựu về hoạt động khoa học kỹ thuật nêu trên chưa được đề cập.

Ở trang 21 có nêu: “Phát huy vai trò các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu trong các giới, dân tộc tham gia góp ý chân thành, thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề quan trọng của đất nước và thành phố”, trong đó cũng có nhắc đến “trí thức” lâu nay thường được đồng nhất với các nhà khoa học, nhưng “tham gia góp ý chân thành, thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề quan trọng của đất nước và thành phố” ở các diễn đàn đại đoàn kết toàn dân không phải là hoạt động khoa học kỹ thuật đúng nghĩa.

Theo tôi nên kịp thời bổ sung chỗ bất cập này vào những nội dung tương thích, chẳng hạn như khi nói về vấn đề xã hội hóa; hoặc khi nói về hoạt động phản biện xã hội - có thể nói nhiệm kỳ qua các nhà khoa học thành phố đóng góp rất lớn trong hoạt động phản biện xã hội.

Phần thứ nhất Dự thảo cũng nêu một số hạn chế của thành phố trong việc đầu tư phát triển văn học nghệ thuật, chẳng hạn ở trang 23: “Lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật chưa được đầu tư phát triển đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của người dân và du khách”. Nêu như vậy cũng rất thẳng thắn và cầu thị, nhưng từ góc nhìn của văn nghệ sĩ, “lĩnh vực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật chưa được đầu tư phát triển đúng mức” không chỉ dẫn đến hệ quả là “chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của người dân và du khách” - thuộc chức năng giải trí của văn học nghệ thuật, mà còn và quan trọng hơn là còn dẫn đến hệ quả “chưa đáp ứng yêu cầu định hướng thẩm mỹ cho công chúng” - thuộc chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật.      

Phần thứ hai của Dự thảo nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật thành phố trong năm năm đến. Về khoa học kỹ thuật, trang 39 và trang 40 nhấn mạnh: “Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; thực hiện tốt việc sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, đáp ứng việc tập trung đầu tư phát triển một số ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài”. Về văn học nghệ thuật, trang 40 và trang 41 khẳng định:

“Đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt chú trọng đầu tư nguồn nhân lực. Khuyến khích, phát huy năng lực, tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ thông qua chính sách “đặt hàng sáng tác”, ưu tiên tác phẩm về đề tài bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc hoặc bám sát thực tiễn cuộc sống, triển khai biên soạn bộ thông sử Đà Nẵng; giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống”.

Chung cho cả hai lĩnh vực, trang 48 còn nêu: “Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố”.

Trước hết trong cụm từ “thực hiện tốt việc sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ” (trang 40), theo tôi nên bỏ bớt từ “sử dụng” vì trùng lặp với từ “trọng dụng” ngay sau đó, chỉ cần nói “thực hiện tốt việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ” là đủ.

Tuy nhiên đủ với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nhưng dường như lại thiếu với đội ngũ văn nghệ sĩ, bởi chẳng lẽ thành phố không “thực hiện tốt việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh” hay sao? - trong khi ở trang 12 Dự thảo cũng từng đánh giá họ là “giàu sức sáng tạo”…

Vì vậy theo tôi nên để dành cụm từ “thực hiện tốt việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ”, không nêu ở trang 40 mà đưa xuống trang 48, tích hợp vào câu: “Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố”, thành: “Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ và văn nghệ sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố”. Trang 40 nêu: “Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ”. Tôi thấy nội dung này rất cần thiết và đề nghị cũng nên bổ sung yêu cầu “đẩy mạnh giao lưu quốc tế về văn học nghệ thuật”.

;
;
.
.
.
.
.