THÍ ĐIỂM CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Phải có cơ chế giám sát quyền lực

.

Khi thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội, chính quyền thành phố Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở 6 quận và 45 phường là UBND quận (không tổ chức HĐND quận, phường). Vấn đề đặt ra là khi không còn HĐND cùng cấp, phải có cơ chế giám sát hiệu quả để kiểm soát quyền lực ở quận và phường.

Ông Huỳnh Bá Cử, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố: Nâng cao vai trò giám sát của đại biểu, tổ đại biểu HĐND thành phố

Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường hơn 8 năm và đạt những kết quả tích cực trên nhiều mặt, nay Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù, đây là cơ hội cho Đà Nẵng tiếp tục xây dựng và phát triển, trở thành đô thị lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, chính quyền địa phương ở các quận, phường là UBND quận, phường; chủ tịch UBND thành phố, chủ tịch UBND quận được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường nhằm nâng cao quyền hạn, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, bố trí kịp thời cán bộ khi điều động, luân chuyển (trước đây phải chờ đến kỳ họp HĐND bầu).

Song cần phải xây dựng cơ chế để giám sát, kiểm soát quyền lực của chủ tịch UBND quận, phường thông qua vai trò giám sát của đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND thành phố, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân theo đơn vị bầu cử gắn kết với giám sát nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đơn cử như việc định kỳ có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; chủ tịch UBND quận, phường định kỳ khi tiếp công dân theo luật định phải mời Mặt trận cùng tham dự để giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận trong buổi tiếp dân.

Ông Võ Công Chánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy: Xây dựng giải pháp, cơ chế giám sát cụ thể

Thành phố Đà Nẵng có diện tích nhỏ, gọn và phạm vi không quá rộng như các thành phố khác trên cả nước. Vì vậy, Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua sẽ rất phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác quản lý của địa phương.

Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị của thành phố lần này có sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã có kinh nghiệm qua 7 năm thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, mang lại sự đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, để việc triển khai mô hình chính quyền đô thị khi không còn HĐND cấp quận, phường đạt hiệu quả, trước hết cần phải xây dựng các giải pháp cụ thể. Trong đó, cần phát huy vai trò giám sát của Tổ đại biểu HĐND thành phố tại các quận; ủy ban kiểm tra các quận ủy, huyện ủy cũng như Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội...

Hoàng Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu: Nâng cao năng lực giám sát của Mặt trận

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị với việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường, hoạt động giám sát quyền lực của HĐND không còn. Khi đó, yêu cầu hoạt động giám sát của Mặt trận sẽ được tăng cường hơn; đồng nghĩa với nhiệm vụ nặng nề hơn, trách nhiệm lớn hơn và phải bảo đảm có thể khỏa lấp khoảng trống giám sát khi không tổ chức HĐND ở quận, phường.

Từ trước đến nay, hoạt động giám sát của HĐND là giám sát quyền lực; còn hoạt động giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân. Hiện nay, khi có HĐND thì hoạt động giám sát của Mặt trận “co” lại ở một số lĩnh vực. Vì thế, tới đây khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, tất cả hoạt động giám sát đều tập trung về Mặt trận. Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, cần phải có quy định rõ về vai trò, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Mặt trận trong hoạt động giám sát; phải phân công cụ thể, rõ ràng, tăng cường chức năng, giao quyền cho Mặt trận để thực thi nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính quyền ở nơi không tổ chức HĐND cùng cấp.

Bên cạnh đó, khi không tổ chức HĐND quận, phường, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát, hoạt động của UBND quận, phường đôi lúc sẽ đi chệch hướng mà Mặt trận không giám sát nổi.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

;
;
.
.
.
.
.