Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020)

Làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa

.

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020), trao đổi về công tác đền ơn đáp nghĩa, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Phan Thị Thúy Linh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian đến ngành sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Thị Thúy Linh (trái) thăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở quận Hải Châu. Ảnh: MINH CHÂU
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Thị Thúy Linh (trái) thăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở quận Hải Châu. Ảnh: MINH CHÂU

* Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, ngoài việc thực hiện tốt chính sách theo quy định của Nhà nước, thành phố còn ban hành nhiều chính sách góp phần nâng cao đời sống gia đình người có công với cách mạng. Cụ thể là những chính sách nào, thưa bà?

- Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 110.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, với 17.765 liệt sĩ, 8.062 thương, bệnh binh, hơn 20.000 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên… với kinh phí chi trả hằng năm hơn 380 tỷ đồng. Song song với việc thực hiện các chế độ chính sách đầy đủ, đúng, kịp thời theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố Đà Nẵng cũng ban hành một số chính sách đặc thù riêng nhằm nâng cao mức sống cho người có công trên địa bàn thành phố.

Hiện có các chính sách hỗ trợ được HĐND thành phố ban hành cho các đối tượng người có công với cách mạng, cụ thể như: Trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách lớn tuổi hay đau ốm, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và người có công giúp đỡ cách mạng, thương binh có tỷ lệ thương tật dưới 30% đang hưởng trợ cấp ở mức thấp; tăng mức quà tặng nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Tết Nguyên đán hằng năm…

Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên, từ đầu năm 2020, thành phố đã hỗ trợ từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo các địa phương tập trung giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn thành phố), người có công với cách mạng vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng với mức 1 triệu đồng cho người có công, thân nhân người có công không còn sức lao động thuộc hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. Tổng kinh phí cho 2 chính sách này hằng năm trên 10,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2019, khi Trung ương không còn hỗ trợ sửa chữa nhà gia đình chính sách thì ngân sách thành phố cùng Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã chi trên 54 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 1.569 gia đình chính sách. Đồng thời, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho 93 trường hợp, kinh phí hơn 3 tỷ đồng. 

Nhìn chung, những năm qua, tất cả các chính sách từ Trung ương đến địa phương đều được thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng mức và đúng đối tượng. Nguồn đầu tư từ ngân sách thành phố khá lớn (trên 60 tỷ đồng/năm, với hơn 50.000 lượt người thụ hưởng hằng năm) cho công tác đền ơn đáp nghĩa đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố, qua đó góp phần từng bước nâng cao mức sống gia đình chính sách và bảo đảm an sinh xã hội cho thành phố.

* Những kết quả ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong thời gian qua là gì, nhất là trong dịp tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ?

- Với việc triển khai nghiêm túc và hiệu quả, bước đầu ngành đã đạt được nhiều kết quả. Cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng giải quyết xong. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 9.021 nhà (xây mới 2.123 nhà, sửa chữa 6.898 nhà) cho các đối tượng chính sách bằng nhiều nguồn vận động lên đến 276,251 tỷ đồng. Việc xóa nghèo theo chuẩn Trung ương đối với thành viên là người có công với cách mạng đã hoàn thành, tuy nhiên theo chuẩn thành phố vẫn còn 188 hộ.

Thành phố đã hoàn thành nâng cấp 9.400 mộ từ đá mài sang đá granite tự nhiên và thực hiện việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ theo quy định. Hiện nay, không còn mộ liệt sĩ khắc chữ “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ không xác định danh tính”; nhiều nghĩa trang được tôn tạo, khang trang sạch đẹp… Đặc biệt, hoạt động dâng hương ngày mồng 1, rằm hằng tháng, lễ thắp nến tri ân, việc chăm sóc nghĩa trang dịp lễ, Tết trở thành nghĩa cử tri ân sâu sắc của hội viên Cựu chiến binh và đoàn viên thanh niên thành phố. Việc vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hưởng ứng rộng rãi trong cán bộ, nhân dân, mỗi năm vận động được trên 4 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ  năm nay, thành phố đã kịp thời truy tặng danh hiệu cho 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tìm kiếm và quy tập 6 mộ liệt sĩ kịp thời an táng vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố; chỉ đạo địa phương thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng và kịp thời trao quà tri ân nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 cho hơn 45.000 lượt đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 20,7 tỷ đồng. Nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa, giao lưu thăm hỏi và thắp nến tri ân liệt sĩ tại các nghĩa trang… đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình, tự nguyện và tâm huyết của các tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần giáo dục truyền thống và đạo lý sâu sắc của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

* Bà có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng của ngành trong thời gian đến là gì?

- Trong thời gian đến, ngành sẽ chủ động tham mưu, phối hợp các ngành, địa phương, tổ chức xã hội tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố. Đồng thời giải quyết chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng theo các Nghị quyết HĐND thành phố đã ban hành, qua đó tiếp tục tham mưu đề xuất chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương làm tốt công tác tôn tạo, mở rộng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, đáp ứng nhu cầu thăm viếng, tri ân của người dân thành phố.

Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 515 thành phố về công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; phối hợp đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để bảo đảm gia đình chính sách được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định; đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, qua đó thu hút nhiều lượt người có công tham gia điều dưỡng định kỳ theo pháp lệnh ưu đãi.

Sở sẽ đề xuất thành phố có chính sách tăng tần suất thụ hưởng dịch vụ cho người có công để đáp ứng nhu cầu an dưỡng, giao lưu, chia sẻ, chăm sóc và phục hồi sức khỏe, giúp người có công sống vui khỏe, hạnh phúc và góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

* Xin cám ơn bà.

                                MINH CHÂU (thực hiện)
 

;
;
.
.
.
.
.