Sử dụng đất nông nghiệp không sản xuất được như thế nào?

.

Qua rà soát của các sở, ngành và quận, huyện, trên địa bàn thành phố hiện có 348,4ha đất nông nghiệp không sản xuất được, trong đó có 276,4ha đất trong phạm vi các dự án, khu vực đã quy hoạch dự án và 72ha đất nằm ngoài quy hoạch các dự án. Đối với diện tích 72ha đất nói trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang nghiên cứu triển khai sử dụng.

Nhiều thửa ruộng ven đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc, phải đầu tư chi phí lớn để cải tạo đất hoặc chuyển đổi sản xuất. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhiều thửa ruộng ven đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc, phải đầu tư chi phí lớn để cải tạo đất hoặc chuyển đổi sản xuất. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khi xây dựng xong tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều diện tích đất trồng lúa rải rác hai bên chân đường đoạn qua xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Qua thống kê của các cơ quan chức năng, có đến 26 hộ nông dân bỏ hoang ruộng với diện tích đến 1,58ha do bị ảnh hưởng bởi tuyến đường này. Bà Nguyễn Thị Thu (người dân thôn La Bông, xã Hòa Tiến) bức xúc: “Khi xây dựng đường cao tốc, đơn vị thi công để nhiều đất đá bồi lấp ruộng nên không trồng lúa được mà chuyển đổi sang trồng các loại cây khác cũng khó khăn do đất cằn cỗi. Bây giờ muốn trồng trọt được thì phải đầu tư cải tạo đất với chi phí rất cao nên người dân đành bỏ hoang và đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ vụ mùa không sản xuất được”.

Tương tự, tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, việc thi công các dự án đường giao thông, cơ sở hạ tầng đã làm ảnh hưởng sản xuất tại 3 cánh đồng các thôn Phò Nam, Nam Yên với diện tích lên đến 6,43ha. Nhiều thửa rộng bị người dân bỏ hoang, nhất là đất trồng lúa bị bồi lấp đất đá, không sản xuất được. Ông Trần Cừ (một hộ dân có ruộng tại cánh đồng Cừa, thôn Phò Nam) kiến nghị: “Muốn trồng trọt được, phải cải tạo đất, nâng cao nền đất với chi phí cao để trồng các loại cây trồng khác. Do đó, người dân mong được hỗ trợ kinh phí cải tạo đất từ các cơ quan chức năng”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Thanh Hòa, UBND thành phố đã có Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 10-1-2020 phê duyệt kinh phí hỗ trợ 3,97 tỷ đồng cho các hộ dân có đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng thi công dự án với tổng diện tích 145,59ha, trong đó, diện tích nằm trong dự án, quy hoạch là 109,11ha; diện tích bị ảnh hưởng và ở lân cận các dự án là 36,48ha. Trong tháng 6-2020, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được trên địa bàn các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Hiện có đến 348,4ha đất nông nghiệp không sản xuất, trong đó có 276,4ha đất trong phạm vi các dự án, khu vực đã quy hoạch dự án, còn lại 72ha đất nằm ngoài quy hoạch các dự án.

Sở NN&PTNT đã chuyển thông tin, dữ liệu về các khu đất nông nghiệp không sản xuất được nằm trong phạm vi quy hoạch các dự án (tổng diện tích 276,4ha) đến Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (chủ đầu tư các khu đất nông nghiệp không sản xuất được) để rà soát cụ thể, xác lập đề án triển khai xử lý đất nông nghiệp không sản xuất được trên địa bàn thành phố. Trong 72ha đất nông nghiệp không sản xuất được không nằm trong quy hoạch các dự án, có 13,4ha đất ở huyện Hòa Vang có thể khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; trong đó, diện tích khôi phục, cải tạo, vận động nhân dân sản xuất là 8ha, còn lại chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, kế hoạch cải tạo, khôi phục sản xuất, vận động nhân dân sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trồng thủy sản đối với diện tích nói trên. Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho rằng, đối với các thửa đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang, việc vận động nhân dân sản xuất trở lại như trước đây là rất khó khăn, chỉ có thể chuyển đổi sản xuất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sản xuất tại những thửa đất này cũng cần có sự hướng dẫn kỹ thuật của Sở NN&PTNT, đặc biệt là hướng dẫn cho người dân về loại giống cây, con vật nuôi để người dân thực hiện có hiệu quả.

Còn đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại không thể khôi phục, chuyển đổi cơ cấu sản xuất (58,6ha) nằm trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi đến Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát cụ thể, lập đề án và tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý đúng quy định. Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay: “Đối với các diện tích đất nông nghiệp xen lẫn trong các khu dân cư trên địa bàn quận Liên Chiểu, tùy theo từng khu vực cụ thể, khu vực nào đã có quy hoạch thì thực hiện quy hoạch. Khu vực nào không có quy hoạch thì quận phối hợp với các cơ quan chức năng lập đề án thực hiện chỉnh trang hoặc xây dựng các công trình”.

HOÀNG HIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích