Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như chính quyền các cấp của thành phố tập trung mọi nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn Đà Nẵng nhưng đến thời điểm này, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn không ít vướng mắc ở nhiều địa phương của huyện Hòa Vang, nơi có dự án này đi qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (bên phải) và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra hiện trường dự án đường dây 500kV mạch 3 tại địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang vào tháng 3-2020. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Theo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa phận các địa phương: tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng với tổng chiều dài khoảng 500,14km. Trong đó, tại địa bàn Đà Nẵng có chiều dài khoảng 36km, chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Dự án được khởi công từ cuối năm 2018, nhưng đến thời điểm này vẫn còn hàng chục hộ dân thuộc các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Liên… của huyện Hòa Vang chưa đồng ý phương án bồi thường GPMB. Đây cũng là lý do dẫn đến việc dự án thi công chậm tiến độ.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, mặc dù việc triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 trên địa bàn xã đã ảnh hưởng đến đời sống của không ít hộ dân khi phải “nhường đất” cho dự án, nhưng nhờ sự kiên trì, giải thích và vận động của chính quyền địa phương, hiện có không ít hộ dân nằm trong khu vực thực hiện dự án đã nhận tiền bồi thường, thống nhất bàn giao mặt bằng thi công. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 4 hộ từ chối đền bù GPMB và đề nghị thu hồi, được đền bù toàn bộ diện tích đất ở, đất vườn và bố trí tái định cư... Vấn đề này xã đã kiến nghị lên huyện và thành phố xem xét giải quyết sớm cho người dân.
Còn tại xã Hòa Liên có 12 điểm phải giải tỏa để xây dựng móng trụ cho dự án thì hiện vẫn còn 1 điểm duy nhất người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Ông Hà Văn Hưởng ở xã Hòa Liên - hộ dân có đất nằm trong vị trí xây dựng móng trụ chưa chịu bàn giao mặt bằng cho rằng, việc áp giá đền bù giải tỏa như hiện nay là quá thấp, đề nghị thành phố xem xét lại cho phù hợp. “Người dân chúng tôi sẵn sàng nhường đất cho dự án, nhưng mong sao thành phố cần có chính sách hỗ trợ về tái định cư cho người dân, ổn định cuộc sống”, ông Hưởng đề nghị.
Ông Thân Minh Nguyên, Phó Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 11.5 (Công ty CP Sông Đà 11) cho biết, về phía đơn vị thi công luôn sẵn sàng vật liệu và nhân công để đẩy nhanh tiến độ công trình khi có được mặt bằng “sạch”. Theo ông Nguyên, riêng năm 2019, trong 6 xã của huyện Hòa Vang, nơi có dự án đi qua mới giải tỏa được 10/72 vị trí để xây dựng móng trụ, khiến việc thi công dự án cũng gặp trở ngại. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, được sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hòa Vang đã vào cuộc đẩy nhanh tiến độ GPMB, và đến thời điểm này đã giải tỏa được hơn 90% vị trí để xây dựng móng trụ trong gói thầu của dự án đi qua địa bàn 6 xã của huyện Hòa Vang. Bên cạnh đó, người dân ở huyện Hòa Vang còn chủ động bàn giao mặt bằng phần hành lang tuyến, dù hiện vẫn còn gần 50% hồ sơ đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng Nhà nước chưa chi trả tiền cho người dân.
Theo ông Bùi Công Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung, dự án đường dây 500kV mạch 3 được thực hiện nhằm tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 18-12-2018, EVNNPT phê duyệt hiệu chỉnh tiến độ hoàn thành tháng 12-2020; tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác GPMB ở một số địa phương - nơi có dự án đi qua còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Cũng theo ông Cường, riêng đoạn tuyến đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng phải thực hiện 72 vị trí móng trụ nhưng hiện vẫn còn 8 vị trí móng chưa duyệt phương án bồi thường, 16 vị trí chưa chi trả tiền đền bù (trong đó có 8 vị trí đã phê duyệt nhưng các hộ dân không nhận tiền và 8 vị trí chưa phê duyệt phương án bồi thường).
Hiện nay, do thời gian thi công dự án không còn nhiều trong khi khối lượng còn lại rất lớn. Vì vậy, để hoàn thành đóng điện công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Cường cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPT và Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất trình duyệt phương án bồi thường đối với 8 vị trí móng trụ còn lại; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền bồi thường đã được UBND huyện phê duyệt của 16 vị trí móng trụ… Riêng đối với các trường hợp đất ở, nhà ở của người dân bị giải tỏa bởi dự án, chính quyền địa phương cần xem xét pháp lý, nguồn gốc đất để thu hồi và bồi thường cũng như ưu tiên tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
TRỌNG HÙNG