Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm

.

Chiều 16-8, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống Covid-19 thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương không phụ thuộc vào các thủ tục hành chính, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là các địa điểm có nguy cơ như chợ, khu cách ly, bệnh viện; xử nghiêm các trường hợp vi phạm và tập trung hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng.

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19 qua hệ thống camera tại bệnh viện. Ảnh: PHAN CHUNG
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19 qua hệ thống camera tại bệnh viện. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo BCĐ phòng, chống Covid-19 thành phố, số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục ghi nhận trên địa bàn, người dân tuyệt đối không chủ quan, tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo và biện pháp phòng, chống dịch đã ban hành, áp dụng.

Linh hoạt, thắt chặt các giải pháp phòng, chống

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, mặc dù các địa phương đã có những chuyển biến nhất định trong công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sự bị động, chậm trễ trong việc ứng phó các tình huống mới phát sinh; vi phạm trong phòng, chống dịch vẫn còn tiếp diễn; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, hiệu quả. Liên quan đến công tác hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các sở, ngành tập trung nghiên cứu, ưu tiên việc hỗ trợ cho những đối tượng trong khu cách ly.

Ngoài ra, công tác tổ chức, tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân tiếp sức cho địa phương giai đoạn này là những hành động hết sức trân trọng nhưng cần phải có tổ chức, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm an toàn. “Tất cả thành phố chúng ta được xác định là nơi đang có dịch nên phải ứng xử trên tinh thần thắt chặt các hoạt động, tuyệt đối không chủ quan.

Trong điều kiện đó cần có những quy định chặt chẽ, BCĐ phòng, chống dịch thành phố căn cứ tình hình cụ thể, có hướng dẫn để các địa phương thực hiện, kèm theo đó là yêu cầu trong phòng, chống dịch và quy trách nhiệm rõ ràng nếu để xảy ra những hậu quả, sai sót. Các địa phương trên cơ sở nắm tình hình thực tế để có phương án hỗ trợ, bảo đảm tính công bằng đối với các trường hợp được hỗ trợ”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, BCĐ phòng, chống Covid-19 thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông trong điều trị bệnh nhân Covid-19 để người dân yên tâm về các ca bệnh nặng; đề cao vai trò, trách nhiệm, kết quả của các y, bác sĩ đang ngày đêm tích cực hỗ trợ trên mọi trận tuyến. Việc tuyên truyền trên các phương tiện công cộng, các chợ, khu dân cư cần nâng cao nội dung theo hướng ngắn gọn, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng cụ thể trên cơ sở định hướng tuyên truyền có tính chất chuyên sâu, tạo sự đồng thuận trong quá trình chống dịch.

Tại cuộc họp, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, trong số 13.000 mẫu bệnh phẩm được lấy để xét nghiệm trong ngày 16-8, CDC Đà Nẵng ghi nhận 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Điều đáng chú ý, trong số 8 ca nhiễm mới có 4 ca là người thân trong 1 gia đình của bệnh nhân 897 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Qua điều tra dịch tễ, ngành y tế xác định có 48 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân. “Ngoài liên quan đến bệnh nhân 897, 4 bệnh nhân này còn ở gần khu vực với 2 bệnh nhân trong số 8 bệnh nhân được phát hiện hôm nay. Chúng tôi đang tiếp tục phân tích mối liên hệ, đồng thời đề xuất thiết lập thêm 2 điểm nóng mới liên quan đến các ca nhiễm này”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Trước đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 từng đến 1 đám tang trên địa bàn quận Thanh Khê, Sở Y tế thành phố có công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan đến đám tang trên lập tức liên hệ với Trung tâm Y tế quận, huyện nơi sinh sống để khai báo và được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống Covid-19. Cụ thể, trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 14-8, tại kiệt 160 Trần Cao Vân (tổ 29, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) có tổ chức đám tang bà N.T.L. (sinh năm 1930).

Theo kết quả giám sát, sau khi đám tang hoàn thành, các cơ quan y tế phát hiện trong đám tang có 3 người nhà dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm: N.T.H. (bệnh nhân số 937), N.V.L. (bệnh nhân số 938) và N.T.T. (bệnh nhân 939), cùng trú tại kiệt 160 Trần Cao Vân (tổ 29, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), là địa điểm tổ chức đám tang. Ngoài ra, trong suốt quá trình diễn ra tang lễ, gia đình còn có thuê dịch vụ tang lễ Thiện Tâm (đường Trường Chinh, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) để phục vụ đám tang.

Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, địa phương đã xác định có 112 người là F1 tại đám tang, trong đó Thanh Khê có 57 trường hợp. “Hiện chúng tôi đã cách ly tất cả những trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời thông báo cho các địa phương có các F1 từng đến dự đám tang để có biện pháp cần thiết, kịp thời. Ngoài ra, hơn 1.400 người sống trong khu vực này đã được lấy mẫu xét nghiệm”, ông Thuyên cho biết.

Qua sự việc này, nhiều địa phương cũng đề nghị BCĐ phòng, chống Covid-19, Sở Y tế có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức tang lễ trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, trong các hướng dẫn của BCĐ quốc gia về phòng, chống Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế  về xử lý tử thi và tổ chức tang lễ trong phòng, chống Covid-19 đều nêu rõ, tuyệt đối không được tổ chức tang lễ ở khu cách ly và người ở khu cách ly không được tham dự tang lễ bất cứ nơi nào. “Theo quy định, những trường hợp tử vong không phải do Covid-19 thì không được để quá 48 giờ kể từ khi tử vong; trường hợp tử vong do Covid-19 phải được hỏa táng.

Trong trường hợp được phép tổ chức tang lễ, phải có sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế, chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đo thân nhiệt đối với người dân tham dự tang lễ. Đề nghị giám đốc các Trung tâm Y tế quận, huyện tham mưu cho các địa phương để có biện pháp kịp thời, đúng quy định trong trường hợp này”, bà Yến nói.

Tiếp tục cảnh báo nguy cơ ở chợ

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống Covid-19 thành phố Lê Trung Chinh, hiện trên toàn thành phố có 38 khu cách ly, đề nghị các địa phương khi dỡ bỏ phong tỏa, cách ly cần trao đổi với ngành y tế để bảo đảm an toàn. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, tập trung, lưu ý vấn đề điều tra F1 và đề nghị F0 tích cực hỗ trợ. “Hiện có những F0 trong khu cách ly, nguy cơ rất cao đối với các F1.

Lá thư bệnh nhân 582 tự viết để cảm ơn các nhân viên y tế.Ảnh: PHAN CHUNG
Lá thư bệnh nhân 582 tự viết để cảm ơn các nhân viên y tế.Ảnh: PHAN CHUNG

Vì thế khi phát hiện F0 trong khu cách ly, các đơn vị cần chủ động các biện pháp cách ly trong khu cách ly, hạn chế lây nhiễm. Đề nghị các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm để người dân hiểu và thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội phòng, chống dịch, trong đó tập trung xử lý tình trạng vi phạm tập trung đông người, bao gồm cả ăn nhậu, đánh bạc và ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết. Ngoài ra, các địa phương đặc biệt lưu ý nguy cơ ở các chợ để có biện pháp cần thiết, kịp thời”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các tổ kiểm tra, giám sát phòng, chống Covid-19, các chợ trên địa bàn thành phố hiện nay còn tồn tại nhiều vi phạm trong phòng, chống dịch. Cụ thể, trong ngày 16-8, lực lượng chức năng ghi nhận chợ Đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) người dân vẫn tập trung đông, không giãn cách trên các tuyến đường ven chợ để mua, bán thực phẩm. Chợ Chiều, chợ Mai (quận Sơn Trà) tập trung đông người dân đứng chờ người nhà đi chợ, không bảo đảm cách ly. Chợ Hòa Khánh Nam, chợ tạm đường Đà Sơn (quận Liên Chiểu) không thấy lực lượng chức năng duy trì trật tự, lập hàng rào giãn cách, đo thân nhiệt, khử khuẩn, kiểm tra phiếu đi chợ.

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương, thực hiện ý kiến chỉ đạo của BCĐ phòng, chống Covid-19 thành phố, trong những ngày qua đơn vị phối hợp với ngành y tế, các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán ở chợ. Cụ thể, chợ Tân An (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19, địa phương đã đóng cửa chợ, phun thuốc khử khuẩn và lấy 300 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tiểu thương. Chợ Cồn (quận Hải Châu) lấy 448 mẫu, chợ Đống Đa (quận Hải Châu) lấy 349 mẫu, chợ Đầu mối Hòa Cương (quận Hải Châu) lấy 1.600 mẫu, chợ Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) lấy 2.400 mẫu… “Ngành Công thương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở các chợ, bảo đảm giá cả, nguồn cung không bị đứt gãy.

Việc xét nghiệm hết tất cả các tiểu thương ở chợ trên địa bàn thành phố là tốt nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi ngành y tế đang phải dồn sức quá nhiều cho việc xét nghiệm các yếu tố nguy cơ, chúng tôi xác định biện pháp cần thiết chính là tổ chức giãn cách, mang khẩu trang thường xuyên và yêu cầu các tiểu thương phải chấp hành”, ông Bắc cho biết.

Bệnh nhân nặng được điều trị khỏi Covid-19

Sáng 16-8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố điều trị khỏi Covid-19 đối với một bệnh nhân có bệnh lý nền rất nặng, từng tiên lượng có nguy cơ tử vong. Theo đó, bệnh nhân số 582 (55 tuổi, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) được nhập viện điều trị ngày 31-7 với các bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng nề, đây là tổn thương đặc trưng đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền suy giảm miễn dịch.

Đến ngày 2-8, phổi của bệnh nhân diễn tiến nhanh, phải tiến hành ECMO, đồng thời lọc máu. Ngoài tổn thương phổi, bệnh nhân còn bị tổn thương tim trên bệnh lý nền của tăng huyết áp, suy tim. Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm 16-8, bệnh nhân đã hoàn toàn được chữa khỏi Covid-19 sau khi 5 lần âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 4, 8, 10, 13 và 14-8. Hiện tại bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị các bệnh lý nền, đặc biệt là tổn thương phổi, dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian tới. Trong hai ngày 15 và 16 -8, các bệnh viện đã điều trị khỏi và cho xuất viện 18 trường hợp mắc Covid-19.

Thêm 1 cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2

Ngày 15-8, Sở Y tế có Công văn 3061/SYT-NVY cho phép Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng phối hợp với CDC Đà Nẵng xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp RT-PCR phát hiện chủng virus SARS-CoV-2. Theo đó, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng yêu cầu Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng trong quá trình xét nghiệm, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ dương tính sẽ chuyển mẫu và kết quả qua CDC Đà Nẵng để xét nghiệm khẳng định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện trên địa bàn thành phố có 7 cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR gồm: CDC Đà Nẵng; Bệnh viện 199, Bộ Công an; Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Quân y 17; Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng và Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân.

Mổ bắt con thành công cho sản phụ là bệnh nhân Covid-19

Tối 15-8, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang phối hợp với ê-kip Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã mổ bắt con thành công cho bệnh nhân Covid-19 thứ 569 (35 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), mang thai 39 tuần tuổi. Đây là 1 trong 2 thai phụ nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Đà Nẵng đến thời điểm này, hiện đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bé gái sơ sinh nặng gần 3kg chào đời hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện ê-kip Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang phối hợp với Bệnh viện dã chiến Hòa Vang theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bé sơ sinh và điều trị Covid-19 cho mẹ.

Tính đến 18 giờ ngày 16-8: Việt Nam có tổng cộng 962 ca Covid-19, trong đó 336 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và 626 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay: 486 ca. Số ca tử vong: 24 ca.

 PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
.
.
.