Tưởng nhớ các anh D3 - Mặt trận 4 Quảng Đà

.

Là người trong cuộc, tôi muốn kể lại một cuộc chiến hết sức anh dũng, kiên cường, bất khuất của Tiểu đoàn 3 (D3) - Mặt trận 4 Quảng Đà với 10.000 quân Mỹ diễn ra tại vùng B Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 20-11 đến 10-12-1968.

Sáng 20-11-1968, như mọi ngày, tất cả chúng tôi đang trong tư thế chống càn thì có tin lính Mỹ từ Bồ Bồ càn xuống Điện Thọ. Đáng chú ý lúc này, các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện An, Điện Hòa, địch đã xúc tát sạch dân, chỉ còn lại cán bộ, du kích và bộ đội. Sau một ngày rúc công sự, tối đến, chị em tôi gặp các anh Tiểu đoàn 3, biết các anh đã chiến đấu suốt ngày ghìm chân địch và kế hoạch chuyển quân… Tình hình đặt ra là chúng tôi tiếp tục ở lại công sự hay di chuyển theo D3? Chúng tôi quyết định bám theo bộ đội. Cũng từ đó, chị em tôi trở thành nhân chứng sống chia lửa với các anh D3 trong suốt cuộc chiến 21 ngày đêm.

Cả tiểu đoàn hy sinh gần hết

Tối đó, D3 di chuyển xuống thôn Nông Sơn, xã Điện Phước, các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra. Nhiều đêm, anh em quyết tử mở đường máu để qua đường 100, nhưng đều gặp địch. Các đêm sau đó, đơn vị tiếp tục di chuyển đến các thôn Hạ Nông, Châu Lâu, Đông Hồ, Làng Ngang và cuối cùng là thôn La Thọ, xã Điện Hòa. Qua điện đài chỉ huy của ta và loa từ máy bay địch kêu gọi đầu hàng, D3 biết đơn vị đã bị 10.000 quân Mỹ bao vây. Ban ngày, địch dồn dập tấn công khu vực đóng quân của D3 (có ngày lên đến 17 cuộc), kết hợp cả bộ binh, xe tăng, đại bác, máy bay dội bom xuống đội hình, nhưng cán bộ, chiến sĩ D3 (với hơn 200 người) vẫn kiên cường chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Cả đợt chống càn 21 ngày đêm máu lửa, với lực lượng không cân sức, D3 đã cầm cự kéo dài, tiêu diệt và làm bị thương gần 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe tăng, bắn rơi 15 máy bay, thu trên 100 súng các loại. Nhưng quân ta cũng phải trả cái giá rất đắt: Cả tiểu đoàn hy sinh gần hết - chỉ còn lại thủ trưởng Khôi, Tiểu đoàn trưởng (đi họp Mặt trận 4) và một ít anh em…

Khi viết những dòng này, tim tôi như thắt lại vì nhớ đến hình ảnh các anh chiến đấu và ngã xuống. Ngày 24-11-1968, khi Đại đội trưởng đứng trên miệng hầm chỉ huy trận đánh, chiếc tàu rà của địch sà xuống bắn một quả rocket trúng ngay người, một nửa thân hình còn lại của anh ngã xuống... Cứ thế bom đạn suốt ngày dội xuống khu vực đóng quân. Tối đến, địch co cụm ra xa hơn, anh em chúng tôi lên khỏi miệng hầm để xử lý gấp rút thương vong - số anh em hy sinh thì đưa xuống các căn hầm bị bom xới rồi lấp đất lại (có hầm có đến 7 liệt sĩ), những người bị thương nặng thì khiêng xuống hầm đại bác hoặc công sự của du kích địa phương, thương binh nhẹ thì di chuyển theo đơn vị… Tất cả diễn ra dưới làn đại bác và pháo sáng của địch.

Đêm 9-12-1968, D3 di chuyển đến thôn La Thọ, anh em đào công sự chiến đấu, hai chị em tôi trú trong hầm đại bác cùng các anh chỉ huy. Rạng sáng 10-12-1968, địch đồng loạt tấn công, nhưng cán bộ, chiến sĩ D3 không nao núng, chiến đấu kiên cường, dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Chiều, căn hầm đại bác mà chúng tôi đang trú bị trúng bom bay mất một nửa, nhiều anh em hy sinh không còn nguyên vẹn…

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Trận chiến trở nên khốc liệt hơn khi hàng chục chiếc trực thăng (sâu đo) của Mỹ đổ quân ồ ạt xuống cánh đồng La Thọ siết chặt vòng vây, hai bên giáp chiến, súng nổ liên hồi… Các anh chỉ huy còn lại đã hét bên tai chúng tôi như ra lệnh: “Chúng mày không được chết ở đây!”. Nói xong, các anh đẩy hai chị em tôi lên khỏi miệng hầm. Trên đầu là hai chiếc máy bay (tàu rà) quần đảo; thấy chúng tôi, chúng ném quả mù đỏ chỉ điểm rồi bắn xối xả quanh chúng tôi, dưới chân cỏ lùng cao lút đầu, vướng không thể chạy nổi. Chúng tôi chạy ra bờ sông La Thọ, quân địch đuổi theo sau…

Tiếng súng trong xóm thưa dần… Chúng tôi băng qua giao thông hào thì thấy nhiều anh em bị thương nặng nằm đó. Chúng tôi chỉ kịp rúc nhanh vào cỏ lùng dưới chân các bụi tre sát bờ sông. Tiếng quân Mỹ la hét ngày càng rõ “VC đứng lên”, tiếng đạn M79 nổ vang, hai chị em tôi rút chốt lựu đạn sẵn sàng bung ra sống chết với kẻ thù chứ quyết không cho chúng bắt sống.

Chiều xuống, nghe tiếng hò reo của lính Mỹ xa dần và nghe được tiếng máy bay hạ xuống cánh đồng. Chiến trường yên tĩnh lạ thường. Lắng nghe tiếng anh em, đồng đội, đồng chí gọi tìm nhau…, tôi khóa chốt lựu đạn rồi chui ra khỏi bụi tre. Trước mắt là cảnh tượng quá thương tâm, nhiều chiến sĩ của ta bị địch bắn hy sinh ngay dưới giao thông hào. Các anh du kích, bộ đội còn sống đi tìm những người còn lại và giải quyết thương vong.

Bây giờ đã 52 năm trôi qua nhưng hình ảnh các anh hy sinh vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Tiếng các anh vẫn như văng vẳng bên tai tôi: “Chúng mày không được chết ở đây”, nghĩa là các anh đã xác định cho mình cái chết để cho chúng tôi được sống. Giữa cái lằn ranh sinh tử ấy, các anh có thể chạy ra bờ sông như chúng tôi, nhưng các anh đã không làm và tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Và các anh đã đi vào bất tử cùng với D3 anh hùng ghi dấu ấn lịch sử trên mảnh đất Điện Bàn máu lửa quê tôi.
Tôi lại ứa nước mắt, nhớ về câu thơ của ai đó:

“Khi chiến thắng về không có bóng anh
Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh
Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh!”…

NGUYỄN THỊ VÂN LAN

;
;
.
.
.
.
.