Cách đây 75 năm, ngày 18 tháng 8 năm 1945, Quảng Nam cùng Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh là bốn địa phương tiến hành khởi nghĩa giành được chính quyền cấp tỉnh sớm nhất trong cả nước. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời và rất nhạy cảm của Tỉnh ủy Quảng Nam mà người có công đầu là đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ.
9 giờ sáng ngày 26-8-1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính), UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. (Ảnh tư liệu) |
Sau khi đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - với tư cách Tỉnh ủy viên Quảng Nam vừa được bổ sung hồi tháng 5 năm 1945 và được Tỉnh ủy phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Thái Phiên/Đà Nẵng - từ Tourane/Đà Nẵng cấp tốc vào Tam Kỳ chiều 13 tháng 8 báo tin Nhật hoàng đã đầu hàng quân Đồng Minh, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định phát động nhân dân toàn tỉnh nổi dậy giành chính quyền, không cứng nhắc chờ lệnh của Trung ương để khỏi bỏ lỡ thời cơ - đến đêm 13 tháng 8, Ủy ban Khởi nghĩa Trung ương mới ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Xin nói thêm rằng thông tin “Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng Minh” đã trở thành câu mở đầu mệnh lệnh của Ủy ban cứu quốc Việt Minh Vụ Quang/Quảng Nam ban hành vào đêm 17 tháng 8 gửi đồng bào và các cấp bộ Việt Minh trong toàn tỉnh.
Chọn Hội An làm nơi khởi sự cũng là quyết định đầy sáng tạo, bởi theo kế hoạch, trước hết phải giải quyết xong các phủ huyện sau đó mới tập trung lực lượng để giải phóng tỉnh lỵ. Sự điều chỉnh này là cần thiết và uyển chuyển do chính đồng chí Võ Toàn/Võ Chí Công trong lúc đi kiểm tra tình hình thực tế ở tỉnh lỵ Hội An đã đề xuất với Thường trực Ủy ban Bạo động tỉnh- gồm các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/Trưởng ban Trần Văn Quế phụ trách chung, Nguyễn Thúy phụ trách cơ quan Thường trực, Lê Thanh Hải phụ trách Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Nhĩ phụ trách Hòa Vang và Võ Toàn phụ trách Hội An.
Chính nhờ phẩm chất tư duy linh hoạt này mà ba mươi năm sau, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đang ở Tây Nguyên thì nghe tin “có hiện tượng địch rút Huế”, đồng chí Võ Chí Công vừa cho xe quay lại Khu ủy 5 vừa đề xuất ý kiến và được Bộ Chính trị chấp nhận tấn công giải phóng Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của đối phương - sớm hơn kế hoạch ban đầu, với tinh thần nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, bằng lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất. Nhãn quan đáng ngưỡng mộ của người đứng đầu Khu ủy 5 về mục tiêu Đà Nẵng năm 1975 chính là sự kế thừa và phát triển cách nhìn tinh tường của ông về mục tiêu Hội An năm 1945: “Lúc này mà còn luầng quầng ở nông thôn là bỏ lỡ mất thời cơ. Phải lách bỏ nông thôn đánh vào thành phố, thị xã, được thị xã thì được cả nông thôn”(1).
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ cũng có công rất lớn trong việc giải quyết mục tiêu Đà Nẵng năm 1945. Trong bối cảnh vẫn còn 5.000 quân Nhật đang đồn trú trên địa bàn Tourane/Đà Nẵng chờ giải giáp, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố này do vậy phải được tính toán thận trọng hơn. Tối ngày 16 tháng 8, Bí thư Thành ủy - Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì cuộc họp Việt Minh thành phố mở rộng để phổ biến, quán triệt nghị quyết ngày 13 tháng 8 của Tỉnh ủy Quảng Nam, bầu ra Ủy ban Bạo động thành Thái Phiên do đồng chí Lê Văn Hiến làm Trưởng ban, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Ủy ban Bạo động thành Thái Phiên quyết định khởi nghĩa ở Tourane vào ngày 23 tháng 8. Kế hoạch này phải hoãn lại do Trưởng ban Lê Văn Hiến được điều động đột xuất đi công tác Quảng Ngãi về chưa kịp, nhưng do sợ mất thời cơ đang đến rất gần không thể chần chừ hơn nữa, tối 25 tháng 8, Phó Trưởng ban Thường trực Huỳnh Ngọc Huệ mở phiên họp của Ủy ban Bạo động thành Thái Phiên để quyết định khởi nghĩa ngay hôm sau. Đến 12 giờ khuya, trong lúc Ủy ban vẫn đang còn họp thì Trưởng ban Lê Văn Hiến vừa kịp về đến nơi và cùng dự họp. Và sáng 26 tháng 8, lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay trên nóc Tòa Đốc lý Tourane - thành Thái Phiên hoàn toàn thuộc về nhân dân và cách mạng.
Vai trò cá nhân của những người lãnh đạo trong Cách mạng Tháng Tám ở Đất Quảng như Huỳnh Ngọc Huệ, Võ Toàn, Lê Văn Hiến… rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là thái độ chính trị của đông đảo người dân vào thời khắc lịch sử này. Ngày ấy người dân đất Quảng tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền với tư cách người trong cuộc quyết tâm đổi đời từ người nô lệ thành người tự do, chứ không chỉ là người hưởng ứng ủng hộ mệnh lệnh của Ủy ban cứu quốc Việt Minh Vụ Quang.
Chẳng hạn như hình ảnh người dân Hội An trong khởi nghĩa giành chính quyền vào rạng sáng ngày 18 tháng 8 được ghi nhận trong hồi ký của Trưởng ban Bạo động Hội An - Tỉnh ủy viên Quảng Nam Nguyễn Văn Tấn: “Đội quân khởi nghĩa xuất phát từ xóm Ngọc Thành, Kim Bồng kéo ra đường cái. Đội quân khởi nghĩa của làng Thanh Hà nhập vào, rầm rầm tiến vào nội ô. Quân khởi nghĩa hô vang khẩu hiệu, phất cờ kêu gọi mọi người nổi dậy khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân.
Quần chúng nội ô đã sẵn sàng đội ngũ gia nhập đoàn quân khởi nghĩa, các đoàn quân vũ trang khởi nghĩa ở các xã phía đông giáp Cửa Đại và phía bắc kéo về trung tâm; ở nội ô cửa nhà, phố xá mở toang, đèn sáng chói, nhân dân vỗ tay hoan hô đoàn quân khởi nghĩa. Đoàn quân với hàng vạn bước chân nện trên đường phố, cây gậy, vũ khí va đập vào nhau rầm rập, cả đô thị Hội An như rung chuyển, khí thế cách mạng trời long đất lở”(2).
Bàn về Đất Quảng với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể không nhắc đến một sự kiện độc đáo mang ý nghĩa biểu tượng giải phóng thấm đẫm chất nhân văn diễn ra trên đất Hòa Vang sau khi giành được chính quyền cấp huyện vào ngày 22 tháng 8 - đó là việc chính quyền và nhân dân Hòa Vang làm lễ “phá xiềng” cho hai ngôi mộ từng bị người Pháp và Nam triều xiềng từ nửa thế kỷ trước: một của Khâm sai đại thần Nguyễn Hữu Lịch ở Khê Lâm nay thuộc xã Hòa Sơn và một của chiến tướng Hồ Học trong Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam ở Vân Dương nay thuộc xã Hòa Liên.
Bàn về Đất Quảng với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng không thể không nhắc đến quần đảo Hoàng Sa vào thời khắc lịch sử này. Mặc dầu quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của tỉnh Thừa Thiên từ năm 1938, nhưng khi quân đội Nhật đầu hàng quân Đồng Minh và rút khỏi Hoàng Sa vào ngày 26 tháng 8, một số người Việt sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa tìm cách vào đất liền liên hệ với chính quyền cách mạng ở Đà Nẵng.
Ngày 17 tháng 2 năm 1946, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa được bầu theo Sắc lệnh số 77 ngày 21 tháng 12 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đến tháng 4 năm 1946, nghị quyết kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thành phố đã xác định quần đảo Hoàng Sa là một đơn vị cấp xã trực thuộc thành phố - đương nhiên sau khi quân đội Pháp tái chiếm Đà Nẵng vào cuối năm 1946, quần đảo Hoàng Sa vẫn do tỉnh Thừa Thiên quản lý cho đến năm 1961 mới trở thành xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là một bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.
BÙI VĂN TIẾNG
1. Dẫn theo Lưu Hoàng Giang, Đồng chí Võ Chí Công và những chỉ đạo quyết định giải phóng Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 6-8-2012.
2. Xem Những năm tháng không quên, tập hồi ký, nhiều tác giả, NXB. Đà Nẵng, 2009.