Tiếp tục phòng, chống Covid-19 trong trạng thái "bình thường mới"

.

Ngày 26-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chủ trì hội nghị sơ kết công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.  

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) chủ trì hội nghị sơ kết công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố vào sáng 26-9.        Ảnh: XUÂN DŨNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) chủ trì hội nghị sơ kết công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố vào sáng 26-9. Ảnh: XUÂN DŨNG

Báo cáo kết quả triển khai công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố trong cả 2 giai đoạn (đầu năm 2020 và từ 23-7 đến nay), bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong giai đoạn 1, ngành y tế đã chủ động xây dựng quy trình giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào thành phố. UBND thành phố ban hành kế hoạch ứng phó với dịch theo 3 tình huống và 4 cấp độ; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố từ đầu tháng 2-2020. Đến giai đoạn 2, ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân 416), Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã khẩn trương đánh giá nguy cơ và đề ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Các ban, ngành địa phương đã vào cuộc chủ động, tích cực, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. “Sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Thành ủy, sự chỉ đạo nhất quán, kịp thời của Ban Thường vụ Thành ủy với quan điểm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội đã “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả” và minh bạch thông tin là những yếu tố góp phần làm nên thành công của công cuộc phòng, chống Covid-19 thành phố cho đến thời điểm này”, bà Kim Yến nói.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, ngoài những mặt tích cực trên, vẫn còn một số tồn tại trong quá trình phòng, chống Covid-19, đặc biệt khi số lượng bệnh nhân ghi nhận trong ngày nhiều, số ca mắc và số trường hợp tiếp xúc gần phải điều tra, giám sát, cách ly ngày càng tăng cao trong khi nguồn nhân lực, cơ sở cách ly y tế và điều kiện y tế chưa đủ nên ngành y tế gặp nhiều khó khăn trong công tác truy vết, điều tra dịch tễ, cách ly y tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương và người dân còn tâm lý chủ quan, công tác quản lý các đối tượng trong khu cách ly còn lỏng lẻo do thiếu nguồn lực cũng như ý thức chấp hành của người dân chưa cao dẫn đến công tác phối hợp giữa các bên chưa thật hoàn thiện.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, việc đối mặt với chủng virus mới và biến thể khiến công tác xét nghiệm, nghiên cứu về SARS-CoV-2 trong thời gian dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách để ngành y tế hoàn thiện hơn, từ đó nâng cao năng lực, ứng phó kịp thời trước nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng vẫn thường trực.

Hình thành nếp sống phù hợp với Covid-19

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, thành quả trong cuộc chiến chống Covid-19 hôm nay chính là sự đồng lòng, chung sức của toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, các tổ chức, cá nhân đã sát cánh, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống và điều trị các bệnh nhân Covid-19. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các cấp, các ngành chức năng triển khai tốt các giải pháp nhằm kiểm soát, phòng, chống dịch trong giai đoạn mới. Theo đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương và Thành ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kiểm soát Covid-19 trong tình hình hiện nay. Tăng cường đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định thành phố sẽ chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh; tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Hiện nay, các hoạt động trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất sản phẩm veston tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. 	            Ảnh: V.D
Hiện nay, các hoạt động trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất sản phẩm veston tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: V.D

Bên cạnh đó, thành phố cần ban hành các văn bản hướng dẫn nhập cảnh và cách ly y tế, quy định và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu mời chuyên gia nước ngoài nhập cảnh; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch khi tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố giao Sở Y tế sớm hoàn thành quy chế tiếp nhận người nhập cảnh; Công an thành phố quản lý chặt chẽ người nước ngoài; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết kịp thời chế độ an sinh xã hội. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội; nhất là các khu vực tập trung đông người; quán triệt sâu sắc việc liên tục rà soát, tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn, phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở điều trị; liên tục đánh giá và hoàn thiện các tiêu chí bảo đảm phòng, chống lây nhiễm Covid-19 tại môi trường bệnh viện.

“Thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch, song người dân và các lực lượng chức năng không được chủ quan. Nếu dịch tái bùng phát, tuyệt đối không bị động, thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, không để Covid-19 lây lan diện rộng. Các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) phải tiến hành cách ly tập trung triệt để, không có ngoại lệ; giãn cách xã hội trong phạm vi phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, ngành y tế đã nỗ lực nâng cao năng lực từ 700 mẫu/ngày lên tối đa gần 13.000 mẫu/ngày. Ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, có 8 đơn vị trên địa bàn thành phố đủ điều kiện xét nghiệm tác nhân Covid-19. Tính đến ngày 23-9, thành phố đã xét nghiệm tổng cộng 327.342 trường hợp, trong đó 297.780 người (chiếm tỷ lệ 25,24% dân số Đà Nẵng) thực hiện xét nghiệm 309.575 lượt.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.