Từ những năm 2000, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chính quyền điện tử, quá trình triển khai được tiếp cận tổng thể theo khung kiến trúc, đồng bộ trên 4 trụ cột: chính sách, hạ tầng, ứng dụng và nhân lực; phục vụ hoạt động quản lý của bộ máy hành chính thành phố và cung cấp dịch vụ hành chính công cho các tổ chức, công dân. Xây dựng thành phố thông minh là bước tiếp theo của xây dựng chính quyền điện tử đã được triển khai dựa trên hạ tầng, dữ liệu, dịch vụ với nguyên tắc “Một nền tảng, đa đối tác, đa ứng dụng, người dân làm trung tâm”, trong đó vai trò của dữ liệu là nền tảng chính.
Phát triển hạ tầng dữ liệu về không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền hệ thống thông tin địa lý là một trong những nguyên tắc xây dựng thành phố thông minh. Trong ảnh: Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: KIM LIÊN |
Quản lý dựa trên dữ liệu và thông tin
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, với quan điểm chủ đạo “Thành phố thông minh là mô hình quản lý đô thị, trong đó công nghệ thông tin - truyền thông được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý”, từ năm 2014, UBND thành phố đã phê duyệt “Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn”. Trên cơ sở đó, từ năm 2014 đến nay thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu (Viettel, VNPT, FPT, Microsoft, Intel,…) triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong một số lĩnh vực chuyên ngành.
Cụ thể, lĩnh vực giao thông: Xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý bằng thiết bị giám sát hành trình; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% xe buýt (gần 200 xe), 100% xe taxi (gần 2.000 xe). Triển khai Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, đến nay đã lắp đặt trên 166 nút tín hiệu điều khiển giao thông thông minh tại các nút giao thông.
Triển khai Hệ thống giám sát giao thông bằng camera thông minh và tổ chức xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát (lắp đặt gần 180 camera); đang triển khai mở rộng hệ thống giám sát giao thông bằng camera thông minh lên trên 300 điểm. Bắt đầu phân tích dữ liệu qua camera để giám sát phục vụ quản lý đô thị, đỗ đậu xe, buôn bán trên vỉa hè sai quy định. Triển khai thí điểm ứng dụng thu phí đỗ xe trực tuyến trên đường Bạch Đằng, Trần Phú.
Về lĩnh vực an ninh trật tự và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn: Triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, đến nay thành phố đã đầu tư khoảng 1.800 camera chuyên dụng. Đồng thời, hệ thống cũng được kết nối với 25.000 camera do người dân và doanh nghiệp trang bị. Thử nghiệm hệ thống camera giám sát tại khu vực âu thuyền Thọ Quang để phát hiện, quản lý thuyền ra/vào tại âu thuyền. Thí điểm ứng dụng phát hiện và cảnh báo cháy rừng.
Về lĩnh vực cấp nước: Triển khai hệ thống SCADA nhằm giám sát lưu lượng, áp lực nước thông qua các thiết bị cảm biến theo dõi, giám sát tự động các yếu tố như mực nước, tốc độ dòng chảy, áp suất và chất lượng nước; thu thập và xử lý dữ liệu, đưa ra báo cáo, cảnh báo phù hợp. Triển khai hệ thống kiểm soát trực tuyến chất lượng nước của nguồn nước mặt thô (nước đầu vào), nước sau xử lý và nước đưa vào mạng lưới cung cấp cho khách hàng; các chỉ tiêu về độ đục, PH, độ mặn... được kiểm soát liên tục, tự động.
Về lĩnh vực môi trường: Triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc tự động, liên tục tại 6/11 trạm xử lý nước thải (4/6 khu công nghiệp và 2/5 trạm xử lý nước thải sinh hoạt); 1 trạm quan trắc môi trường nước tự động trên sông Cầu Đỏ và một số đơn vị hoạt động sản xuất có công suất xả nước thải >1.000m3/ngày đêm; hệ thống quan trắc môi trường không khí (sản phẩm của Trung tâm Vi mạch thuộc Sở Thông tin và Truyền thông), bao gồm 16 chỉ số đo, lắp đặt tại Trung tâm Hành chính thành phố.
Triển khai Hệ thống giám sát môi trường nước (sản phẩm của Trung tâm Vi mạch - Sở Thông tin và Truyền thông) tại 5/10 hồ của thành phố. Các trạm quan trắc này chuyển về nền tảng dữ liệu quan trắc tại địa chỉ quantracnuoc.centic.vn để người dân theo dõi giám sát.
Đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm: Thành phố xây dựng Cổng thông tin an toàn thực phẩm, công khai các thông tin, dữ liệu về an toàn thực phẩm tại địa chỉ antoanthucpham.danang.gov.vn. Xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện sử dụng chung, phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm; hỗ trợ người dân tra cứu các nhà hàng, quán ăn đường phố, cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất đạt chuẩn an toàn thực phẩm (qua tin nhắn SMS, qua Zalo, qua tổng đài điện thoại 1022). Thành phố đang triển khai thí điểm tra cứu nguồn gốc thực phẩm bán tại chợ Hàn qua QR Code.
Mô hình tương tác giữa chính quyền điện tử và đô thị thông minh. |
Đối với lĩnh vực giáo dục: Thành phố xây dựng, ban hành kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo và triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, lớp 6); cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng giao tiếp dữ liệu ngành giáo dục nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường trong cả thành phố, hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến lớp 12) và giáo viên toàn thành phố.
Đối với lĩnh vực y tế: Thành phố xây dựng, ban hành kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế; triển khai ứng dụng y tế xã, phường điện tử tại 100% xã, phường; ứng dụng quản lý bệnh viện điện tử tại 16/16 trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; triển khai ứng dụng hồ sơ y tế điện tử và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Hệ thống hồ sơ y tế điện tử hiện có 1.225.831 dữ liệu người dân, trong đó, 563.329 hồ sơ đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe.
Định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, trên cơ sở kết quả đạt được từ quá trình xây dựng chính quyền điện tử và thí điểm ứng dụng thông minh, để tiếp tục định hướng triển khai xây dựng thành phố thông minh đồng bộ, tương thích, tiết kiệm, hiệu quả, năm 2018, UBND thành phố đã ban hành kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tại Đà Nẵng và đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030.
Theo đó, lộ trình triển khai thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đến 2020: Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; giai đoạn đến 2025: Thông minh hóa các ứng dụng; giai đoạn đến 2030: Thông minh hóa ứng dụng cộng đồng.
Việc xây dựng thành phố thông minh xác định hạ tầng dữ liệu là khung để phát triển bảo đảm khả năng tích hợp, chia sẻ dùng chung, phân tích dữ liệu lớn và hình thành dữ liệu mở phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bảo đảm các nguyên tắc gồm: Cơ sở dữ liệu nền tảng; phân chia trách nhiệm quản lý dữ liệu; tập trung hóa và chia sẻ dữ liệu. Hoàn thiện, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu nền (cơ sở dữ liệu công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai); hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện.
Phát triển hạ tầng dữ liệu: Không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS). Hoàn thành xây dựng, chuẩn hóa, đồng bộ đầy đủ dữ liệu và đưa vào sử dụng hệ thống học bạ điện tử và hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố trên cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu nền, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác phân tích dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu lớn phục vụ cho công tác dự báo.
Đề xuất các chính sách để cung cấp dữ liệu số như là dịch vụ, đặc biệt là các dữ liệu mở, bảo đảm tính công khai, minh bạch về thông tin của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp, ưu tiên các dữ liệu mở trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, đầu tư công, thuế, hải quan, tư pháp.
TOÀN VÂN