Đồng hành người nghèo vượt khó

.

Các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội ở Đà Nẵng như chương trình Thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”... từ lâu không chỉ dừng lại ở các cấp chính quyền mà đã và đang lan tỏa xuống từng khu dân cư, thôn xóm, thu hút nhiều người dân tự nguyện tham gia giúp những mảnh đời yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn.

Trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu).  Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu). Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Trải qua những ngày tháng khó khăn, giờ đây, khi cuộc sống gia đình đã tạm ổn cũng là lúc chị L.T.D. (trú tại tổ 7, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) trở thành “tài xế riêng” cho hai cụ già sống gần nhà. Chị D. chia sẻ: “Tôi làm việc tự do nên thời gian tương đối thoải mái, vì vậy mỗi khi cụ Nguyễn Thị Liệu (80 tuổi) và Nguyễn Thị Thưởng (82 tuổi) cần đi đâu là tôi chở giúp.

Ví dụ như mới đây, khi nhận được phiếu đi chợ miễn phí của nhóm công tác xã hội Đà Nẵng là tôi chở cụ Liệu đi ngay. Tuần trước tôi chở cụ Thưởng đi bệnh viện lúc nửa đêm”. Nghĩa cử của chị D. đã lan tỏa đến những hộ dân xung quanh, tất cả đều thường xuyên quan tâm thăm hỏi và giúp đỡ 2 cụ mỗi khi trái gió, trở trời.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (trú tổ 15, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cũng nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của bà con tổ dân phố và các mạnh thường quân mà khó khăn dần qua. Chồng chị vốn là một tài xế nhưng không may bị tai nạn giao thông phải trải qua 5 lần phẫu thuật khiến kinh tế gia đình khánh kiệt.

Bản thân chị làm cấp dưỡng tại một trường tiểu học, với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng nên gặp nhiều khó khăn, nhất là khi con gái phát hiện bệnh u đại bào xương. Song, cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều tấm lòng tốt đã đến với gia đình chị. Chị xúc động cho biết: “Tết hay các dịp lễ, bao giờ gia đình tôi cũng được ưu tiên nhận quà, bà con lối xóm, các mạnh thường quân cũng thường xuyên giúp đỡ gạo, thức ăn... nên cuộc sống gia đình dần tạm ổn”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố, chính các chương trình an sinh xã hội lớn của thành phố như Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”, phong trào Vì người nghèo... đã huy động nguồn lực lớn từ ngân sách và xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế vươn lên đồng thời đánh thức tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong xã hội. Không chỉ các cấp chính quyền từ thành phố, đến quận, huyện, phường, xã mà ở cấp tổ dân phố, khối phố, thôn, xóm và nhiều người dân đã tham gia tích cực với nhiều mô hình tốt, cách làm hay.

Có thể kể ra như trường hợp tổ dân phố số 21, khu vực Thanh Tân 2, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), từ năm 2015 đến nay duy trì rất tốt mô hình “Nuôi heo đất”. Nhờ vậy, tổ có kinh phí giúp đỡ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già yếu bệnh tật, trẻ mồ côi... hoặc các trường hợp khó khăn đột xuất. Trong khi đó, người dân ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đã tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp để làm du lịch sinh thái.

Hiện thôn đã thành lập được Tổ du lịch cộng đồng thu hút 45 gia đình tham gia, nhờ vậy kinh tế của bà con Cơ tu nơi đây được cải thiện đáng kể. Theo ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí, nhờ cách làm cộng đồng này mà người dân Cơ tu từng bước vượt qua khó khăn, tương trợ giúp nhau làm kinh tế, từ đó góp phần hồi sinh văn hóa truyền thống thông qua các nhóm phục vụ du khách như nhóm cồng chiêng, nhóm dệt thổ cẩm, nhóm đan lát...

Liên tục trong 5 năm qua, các phong trào an sinh xã hội như vận động quỹ giúp hộ nghèo, quỹ tiết kiệm giúp hộ nghèo... đã được các tổ dân phố phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) thực hiện tốt. Giai đoạn 2015-2020, từ nguồn kinh phí vận động này, phường đã hỗ trợ xây nhà mới cho 29 hộ và sửa chữa nhà cho 55 hộ nghèo trên địa bàn. Điều đáng ghi nhận là trong 5 năm qua, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường đã tham gia đóng góp hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội của phường.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố về công tác giảm nghèo của thành phố từ năm 2000 đến nay cho thấy, tất cả chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt, vượt thậm chí là về đích trước thời hạn. 20 năm qua, đã có hơn 227.800 lượt hộ được giúp đỡ thoát nghèo. Đặc biệt, Đề án giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020 đã về đích trước 2 năm, khi cuối năm 2018 thành phố chỉ còn có khoảng 2.300 hộ nghèo (chiếm 0,91% tổng số dân cư trên địa bàn). Kết quả này cho thấy các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh của thành phố đã phát huy hiệu quả cao.

Song bên cạnh đó, có một yếu tố rất quan trọng là sự đồng thuận, chung tay của người dân, đặc biệt có rất nhiều chương trình do chính người dân tình nguyện góp sức đã lan tỏa rộng rãi đến các tổ dân phố, thôn xóm với nhiều cách làm hay, sáng tạo và cũng đầy tình làng nghĩa xóm. Đó chính là “tài sản” quý mà thành phố cần phát huy cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian đến.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.