Không chủ quan, khẩn trương ứng phó bão số 9

.

* Bão số 9 di chuyển theo hướng chính tây, giật cấp 14

ĐNO - Sáng 26-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương về chỉ đạo ứng phó với bão số 9. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Trung Tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia,  lúc 12 giờ ngày 26-10, tâm bão ở 13,3 độ vĩ bắc; 119,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 594 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 14.  Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ 25km/h và có khả năng mạnh thêm.

Không được để dân “màn trời chiếu đất”, đói rét

Tại cuộc họp trực tuyến chỉ đạo về công tác ứng phó, phòng chống bão số 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, miền Trung đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai ứng phó bão số 9.

“Chúng ta không được mất cảnh giác, phải chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và mưa lũ sau bão. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, nhất là tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, đừng để nhân dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói rét, khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh vệ tinh cho biết tâm bão di chuyển theo hướng tây với sức gió cấp 12 giật cấp 14. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Ảnh vệ tinh cho biết tâm bão di chuyển theo hướng tây với sức gió cấp 12 giật cấp 14. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Thủ tướng chỉ rõ, bão số 9 dự báo đổ bộ vào miền Trung vào ngày 28-10 với gió rất mạnh, sóng lớn và mưa lớn sau bão. Do đó, việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân ở khu vực ven biển, ngư dân trên tàu cá, các lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản là quan trọng nhất. “Cứu người, tính mạng người là quan trọng nhất. Cương quyết đưa ngư dân lên bờ, lao động trên các lồng bè cũng phải lên bờ. Cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với các chủ lồng bè vì giữ những con tôm hùm, con cá mà giữ lao động lại trên các lồng bè”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Đi liền với đó, chủ động sơ tán dân ở vùng thấp, ven biển bởi có nhận định, vùng ven biển có sóng lớn. Các địa phương phải có phương án di dời dân một cách phù hợp, không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân sống ven biển. Thủ tướng cũng cảnh báo hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày do “mưa thối đất”, dễ xảy ra sạt lở. “Do đó, các địa phương phải chủ động di dời dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại.

Ở vùng đồng bằng, phải chèn chống nhà cửa, bảo đảm an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các hồ đập; phải có bộ phận chuyên môn theo dõi, vận hành sát các hồ đập hợp lý, tránh tình trạng như hồ Kẻ Gỗ vừa qua.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương, tập trung hỗ trợ dân trước bão và cứu dân sau bão, kể cả dùng các phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng. Các bộ, ngành cũng phải tích cực vào cuộc, đặc biệt là ngành điện ứng phó việc gãy đổ nhiều cột điện sau bão, ngành giao thông bảo đảm giao thông thông suốt và không để ách tắc giao thông kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão; chủ động cho học sinh nghỉ học...  “Phải đề cao cảnh giác, chủ quan thì hậu quả rất lớn. Khẩn trương tập trung ứng phó với bão mạnh để hạn chế thiệt hại lớn nhất do mưa, bão”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tuyến ứng phó với bão số 9. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tuyến ứng phó với bão số 9. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Công điện khẩn ứng phó bão số 9

Trong sáng 26-10, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9. Thủ tướng yêu cầu tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo, nhất là bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm trên biển, đảo vào đất liền.

Rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, đê điều, hồ đập, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thường xuyên cập nhật vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sơ tán dân trước 15 giờ 27-10, học sinh nghỉ học 2 ngày

Cũng trong sáng 26-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với diễn biến của bão số 9 (Molave). Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh lưu ý, bão Molave là một cơn bão mạnh, ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng nên các đơn vị, địa phương không được chủ quan. Khối lượng công tác ứng phó với cơn bão này phải được thực hiện lớn hơn, nhiều hơn gấp 2-3 lần so với các cơn bão bình thường và phải triển khai khẩn trương cho kịp thời vì bão có tốc độ di chuyển vào bờ quá nhanh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh (bìa trái) chỉ đạo khẩn trương ứng phó với bão số 9. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh (bìa trái) chỉ đạo khẩn trương ứng phó với bão số 9. Ảnh: HOÀNG HIỆP

“Chỉ còn chiều nay (26-10) và ngày mai (27-10) thôi, mà nhiều người dân vẫn đang chủ quan. Do đó, các đơn vị, địa phương phải thông báo, tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó ngay với bão mạnh, không được chủ quan. Những nhà dân ở sát vách núi và có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét... phải được di dời sớm”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo.

Công tác di dời dân, neo đậu tàu thuyền, yêu cầu người dân và người lao động rời khỏi các lồng bè... phải hoàn thành trước 15 giờ chiều 27-10. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra các công trình xây dựng và yêu cầu dừng hoạt động và phải hạ thấp cần cẩu, trục tháp, hạ hoặc neo giữ giàn giáo chắc chắn... trước 15 giờ chiều 27-10.

“Sở Du lịch yêu cầu các khu nghỉ dưỡng ven biển đề phòng, triển khai ứng phó nước biển dâng cao do bão. Các địa phương khẩn trương, tập trung di dân ở các khu vực ven biển, ven sông, dưới vách núi. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 28 và 29-10. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương hạn chế, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão mạnh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo.

HOÀNG HIỆP- TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.