Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên về nhân quyền

.

“Tra tấn, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người” là những hành động tàn khốc đã bị lên án trong Công ước Liên Hợp Quốc chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người từ năm 1984. Việt Nam thực hiện Công ước từ năm 2014, Bộ Quốc phòng đã có những chế tài cụ thể nếu những hành vi tàn bạo ấy diễn ra trong quân đội. Chính vì vậy, việc tuyên truyền trong cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về Công ước này của Liên Hợp Quốc luôn được cán bộ chính trị các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang thành phố chú trọng.

Tuyên truyền pháp luật qua hình thức sân khấu hóa công tác dân vận tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.Ảnh: LY NA
Tuyên truyền pháp luật qua hình thức sân khấu hóa công tác dân vận tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.Ảnh: LY NA

Triển khai đồng bộ trong lực lượng vũ trang Đà Nẵng

“Công ước Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” - thường được gọi tắt là Công ước chống tra tấn - gồm lời mở đầu và 33 điều khoản được chia thành 3 phần. Đây là một trong 7 Công ước cốt lõi về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của 166 quốc gia thành viên (tính đến tháng 3-2020). Việc tìm hiểu những nội dung của Công ước quan trọng này đã và đang được lồng ghép vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật và kế hoạch giáo dục chính trị ở các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Đà Nẵng.

Ngoài nội dung lồng ghép, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 2 lớp tuyên truyền về “Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội” với sự tham gia của 1.600 cán bộ, chiến sĩ.

Thượng tá Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền về Công ước chống tra tấn không chỉ trong lực lượng cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, dự bị động viên mà còn tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.

Lực lượng vũ trang thành phố hiện có 21 tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị với 400 cuốn sách tuyên truyền về Công ước chống tra tấn nói riêng và hàng trăm đầu sách luật, nghị định, thông tư nói chung, luôn được bổ sung thêm hằng năm.

Các chuyên trang trên báo, chuyên mục trên đài phát thanh - truyền hình cũng làm tốt vai trò tuyên truyền thông qua mục Phổ biến kiến thức quốc phòng - quân sự. Qua đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm của quân nhân trong thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tra tấn, hạn chế vi phạm kỷ luật trong đơn vị, xây dựng nền nếp chính quy.

Áp dụng sát thực tế tại đơn vị

Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Ngọc, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, tại đơn vị việc nghiên cứu Công ước chống tra tấn được cụ thể hóa thành những vấn đề liên quan đến chống hành vi quân phiệt giữa cán bộ với chiến sĩ hay sự mất đoàn kết giữa chiến sĩ với nhau. Các nội dung này được tuyên truyền thường xuyên trong quá trình giáo dục truyền thống, trong sinh hoạt, học tập, công tác, trong giao lưu, tọa đàm của các chiến sĩ… Những nội dung của Công ước chống tra tấn có liên hệ trong các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đã tạo nền tảng kiến thức và giáo dục cho cán bộ đến với chiến sĩ bằng tình thương và trách nhiệm, chiến sĩ với chiến sĩ nêu cao tinh thần đoàn kết trong đơn vị, tạo ra được không khí cởi mở, gần gũi, gắn bó để thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Đặc thù của Trung đoàn 971 là đơn vị trực tiếp huấn luyện chiến sĩ, các đợt hành quân huấn luyện dã ngoại luôn rất vất vả. Song, trên cương vị người chỉ huy, cán bộ chính trị luôn có mặt kịp thời để nắm tư tưởng, tổ chức cổ động thao trường và giải quyết vướng mắc, động viên chiến sĩ. Những cán bộ luôn gương mẫu, sâu sát, gần gũi và rất nghiêm khắc, trong đơn vị chưa từng để xảy ra hành vi quân phiệt!

Binh nhất Lê Thành Tiến, chiến sĩ Đại đội Thông tin tâm sự: “Bản thân tôi qua quá trình học tập, được quán triệt các văn bản, nghị quyết đã rút ra nhiều bài học và hiểu rằng mọi bất đồng trong môi trường quân đội đều có thể giải quyết bằng tiếng nói của mình, bằng biện pháp dân chủ”.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Nẵng đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến Công ước chống tra tấn; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội, cụ thể hóa, lồng ghép vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương, đơn vị qua hình thức sân khấu hóa, hội thi, chiếu phim tài liệu… thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia.

Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, củng cố bản chất truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam mà qua các đợt dân vận, mỗi quân nhân đã thực sự trở thành một tuyên truyền viên giáo dục pháp luật ở tuyến cơ sở. Từ đó, trang bị kiến thức để mọi công dân trong xã hội sẵn sàng lên tiếng, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi bất công, tàn bạo xâm phạm con người.

LY NA


 

;
;
.
.
.
.
.