Dân vận hiệu quả ở Hòa Vang

.

Huyện Hòa Vang là địa phương có nhiều dự án hạ tầng đã và đang được triển khai nên hàng nghìn hộ dân phải di dời, giải tỏa. Nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, đa phần người dân đồng thuận chấp hành chủ trương di dời mà không có khiếu kiện hay bức xúc kéo dài.

Nhờ làm tốt công tác vận động, đến nay gần 90% hộ dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho dự án tuyến đường ĐH2 đi qua địa bàn xã Hòa Sơn. 					    Ảnh: TRỌNG HÙNG
Nhờ làm tốt công tác vận động, đến nay gần 90% hộ dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho dự án tuyến đường ĐH2 đi qua địa bàn xã Hòa Sơn. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Kiên trì nói cho dân hiểu

Giờ đây, đến thôn Đồng Lâm, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), ai nấy đều ngỡ ngàng khi vùng quê nghèo xuất hiện nhiều căn nhà mới khang trang. Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, sau khi người dân nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) từ dự án đường dây 500kV mạch 3 tại xã Hòa Phú, nhiều hộ đã xây dựng, sửa sang lại nhà cửa khang trang. Không những thế, với số tiền còn dư, người dân tiếp tục đầu tư mua dê, bò về nuôi phát triển kinh tế.

Bà Lê Chung (thôn Đồng Lâm, xã Hòa Phú) không giấu được hạnh phúc bởi trước đó ngay cả trong mơ gia đình bà cũng không nghĩ sẽ có tiền sửa lại căn nhà đẹp đến vậy. “Lúc đầu, dự án nói lấy đất, tôi và nhiều người không đồng ý. Sau khi nghe cán bộ xã, thôn đến nói chuyện, dần dần tôi biết dự án tốt cho phát triển kinh tế. Nhờ dự án đường dây 500kV mà cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều”, bà Chung cho hay.

Tương tự, dự án tuyến đường ĐH2 đi qua địa bàn xã Hòa Sơn cũng phải thu hồi đất của hơn 400 hộ dân. Nhờ làm tốt công tác vận động, đến nay, gần 90% hộ đã đồng thuận nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho dự án triển khai thi công.

Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho hay, khi thấy tuyến đường được đầu tư mở rộng, người dân ai cũng mừng, mặc dù ban đầu có không ít hộ chưa thông chủ trương. Qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền, Mặt trận và đoàn thể địa phương, các hộ dân đã nhận thức rằng, dự án được triển khai không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế của địa phương mà người dân cũng chính là chủ thể hưởng lợi từ sự phát triển này. “Để tiếp tục đẩy mạnh công tác GPMB, lãnh đạo xã đã thường xuyên gặp gỡ đối thoại, lắng nghe tâm tư của nhân dân vùng ảnh hưởng dự án để phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết thấu đáo, bảo đảm quyền lợi cho người dân”, ông Phương nói.

Còn theo ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, hiện nay, hầu hết các thôn trên địa bàn xã đều nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Vì vậy, để làm tốt công tác quản lý đô thị, GPMB, Đảng bộ và chính quyền xã luôn xác định công tác dân vận đóng vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong giải tỏa, đền bù để triển khai các dự án.

Ông Thương cho biết, để làm tốt công tác giải tỏa, đền bù, chính quyền địa phương luôn xác định phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo thống nhất cao từ trên xuống dưới. “Khi người dân chưa hiểu, chưa đồng thuận, các đoàn thể, Mặt trận vào cuộc tuyên truyền, gặp gỡ để vận động. Có những trường hợp phải vận động thông qua các vị cao tuổi trong gia tộc để nhờ tác động thêm mới thành công”, ông Thương chia sẻ.

Giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân

Theo ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, trên địa bàn huyện hiện có trên 200 dự án hạ tầng cơ sở lớn nhỏ đã và đang triển khai với hơn 17.000ha đất phải thu hồi, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 5.000 hộ dân thuộc 11 xã. Nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, đa phần người dân đã đồng tình, ủng hộ, chấp nhận di dời đến nơi ở mới, “nhường” đất cho các dự án mà không có khiếu kiện hay bức xúc kéo dài.

Ông Sơn cho rằng, để làm tốt công tác GPMB, trước hết cả hệ thống chính trị cần tăng cường tuyên truyền, vận động, làm từng bước chặt chẽ; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người. Mặt khác, khi Nhà nước thu hồi đất cho các dự án, ngoài thực hiện đúng quy định hiện hành, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan cần kịp thời kiến nghị với cấp trên về những vướng mắc, chưa phù hợp thực tiễn để cấp có thẩm quyền xem xét đưa ra chủ trương tháo gỡ, đáp ứng nguyện vọng của người dân, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Ông Bùi Nam Dũng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, khi triển khai một dự án trên địa bàn, huyện cũng thành lập Hội đồng GPMB, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và từng hội đồng phải liên hệ mật thiết với các ban, ngành có liên quan của thành phố đến cán bộ tổ dân phố, khu dân cư đồng loạt triển khai công việc, nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân.

Lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo chính quyền xã thực hiện niêm yết công khai, thông báo đến người dân nằm trong vùng ảnh hưởng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án. “Bên cạnh đó, Ban Dân vận Huyện ủy cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các đoàn thể nắm bắt tình hình người dân khu vực chịu ảnh hưởng của dự án để tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo công tác vận động người dân”, ông Dũng cho hay.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích