Phòng, chống thiên tai 2020 - Những nhiệm vụ cấp bách

.

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21-12-2009 quyết định lấy ngày 13-10 là Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra, khuyến khích mọi công dân, chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và quốc gia có sức mạnh chống chọi với thiên tai.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng lấy ngày này làm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN.

Một điểm sạt lở trên đường Q
Một điểm sạt lở trên đường Quốc lộ 9 (đoạn qua tỉnh Quảng Trị). Ảnh: TTXVN phát

Thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp, khó lường

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Đặc biệt, mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá, động đất, có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Tính từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm làm 100 người chết, 13 người mất tích, 281 người bị thương, 92.244 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn hoặc hư hỏng; 125.740 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại theo ước tính ban đầu là trên 5.000 tỷ đồng.

Nhận định về thời tiết từ nay đến nửa đầu năm 2021, Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết: Từ tháng 10-2020 đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng từ 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 4 - 6 cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp ảnh hưởng tới các tỉnh Trung Bộ.

Nửa cuối tháng 10 có khả năng trên Biển Đông sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới và khả năng mạnh lên thành bão.

“Mùa bão đến muộn nên trong những tháng đầu năm 2021 cũng có thể xuất hiện bão. Khả năng là tới tháng 1-2-2021 vẫn có thể có những cơn bão muộn, tác động vào các khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ” - ông Năng lưu ý.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 10 năm nay, không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng về tần suất và kết hợp với các hình thế thời tiết khác như hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, hoặc nhiễu động gió Đông trên cao) sẽ gây ra các đợt mưa lớn dồn dập tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Nhiệt độ trung bình từ nay đến cuối năm tại khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tại Trung Bộ nhiệt độ cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tổng lượng mưa cả nước có xu hướng cao hơn từ 15-30% ở khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc -Trung Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, mưa bắt đầu có xu hướng gia tăng và tập trung nhiều trong tháng 10-2020.

Các khu vực còn lại bao gồm khu vực Tây Bắc Bộ và Nam Bộ có tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiệt độ trung bình có xu hướng từ xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm. Lượng mưa có xu hướng cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm đặc biệt ở các khu vực phía Nam. Mùa khô ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ (tháng 12-2020 và những tháng đầu năm 2021) có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Nhiệm vụ cấp bách

Trước diễn biến phức tạp của các hiện tượng khí tượng, thủy văn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai đã có nhiều bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, hiện còn thiếu nhiều hệ thống công trình quan trắc, giám sát, cảnh báo sớm, tự động nên khi có thiên tai lớn, bất thường thì mức độ chính xác còn hạn chế. Việc dự báo bão trên biển tương đối chính xác, song khi bão vào gần bờ thì độ chính xác của công tác dự báo đạt mức độ thấp hơn. Việc dự báo mưa lớn chỉ dừng ở thời đoạn dài, diện rộng, chưa cập nhật theo thời gian thực, trong phạm vi hẹp nên gây ra hạn chế cho việc ứng phó, nhất là khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sự cố đê điều, hồ đập.

Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan phải tăng cường bố trí lực lượng theo dõi sát diễn biến thiên tai để chủ động hơn, tránh tình trạng lúng túng khi có tình huống bất thường xảy ra.

Nước lũ trên sông Hương lên cao. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Nước lũ trên sông Hương lên cao. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện việc tổng rà soát, kiểm tra, sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó cụ thể đối với 2 loại hình thiên tai lớn có thể xảy ra.

Kịch bản thứ nhất, khi có mưa, lũ lớn bất thường, kéo dài trên diện rộng. Thiên tai sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có địa hình dốc, sông, suối nhiều và thường ngắn, chênh lệch độ cao lớn giữa thượng nguồn và hạ du khiến lũ lên nhanh, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Hiện nay, các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó, song hầu hết chỉ tập trung trong phạm vi của tỉnh, nguồn lực để bảo đảm cho các phương án còn hạn chế, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Do vậy, để chủ động ứng phó với kịch bản trên, các địa phương cần đặc biệt quan tâm rà soát cụ thể đến tận các khu dân cư, nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực thấp trũng, ven sông, ven biển. Phải kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa, đồng thời, công tác vận hành hồ chứa cần linh hoạt, kịp thời, đảm bảo an toàn ở hạ du, nhất là đối với các lưu vực có hệ thống đê điều. 

Đến thời điểm hiện nay, khu vực miền Bắc đã bước vào thời kỳ lũ muộn, song các địa phương vẫn phải sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lớn trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình. Nhiệm vụ trọng tâm đối với các tỉnh Trung Bộ là cần triển khai ngay các kịch bản ứng phó với bão mạnh, lũ lớn kéo dài vào cuối năm 2020.

Kịch bản thứ hai là khi xảy ra bão mạnh, siêu bão (thiên tai trên cấp độ 4). Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiến cứu nạn có nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với các địa phương và bộ, ngành để rà soát phương án, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là trong việc sơ tán dân.

Phương án xảy ra bão mạnh, siêu bão đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã xây dựng cho tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển với khoảng trên 6,6 triệu người có khả năng phải sơ tán tránh bão.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp  

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18-6-2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

Rốn lũ Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) chìm trong biển nước. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Rốn lũ Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) chìm trong biển nước. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ"; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, lên phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.

UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Lãnh đạo các địa phương cần sâu sát chỉ đạo việc giám sát vận hành an toàn hồ đập, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã cần được hỗ trợ về phương tiện, vật chất để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, xả lũ lớn từ thượng nguồn sông xuyên biên giới, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó thiên tai và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ứng phó các tình huống thiên tai nguy hiểm theo nhiệm vụ được giao; nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống theo dõi, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo để tiếp nhận và truyền tải thông tin kịp thời, chính xác.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.