100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh: Nhà chính trị-quân sự tầm cỡ

.

Đối với người dân Thừa Thiên-Huế, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là người con kiệt xuất của Lộc An mà còn là một con người giản dị, gần gũi.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1-5-1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1-5-1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)

Những ngày này, người dân làng Bàn Môn (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tích cực trang hoàng, dọn dẹp lại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh (làng Bàn Môn) để chào đón những đoàn người đến viếng thăm nhân dịp 100 năm ngày sinh của Đại tướng (1-12-1920-1-12-2020); cùng nhau quây quần kể những mẩu chuyện, kỷ niệm về một vị tướng, nhà lãnh đạo, người con xứ Huế tài năng.

Quê hương tôi luyện nên người chiến sỹ cách mạng trung kiên

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hoà, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1-12-1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuổi thơ ông gắn bó với xứ Truồi, nơi con sông Truồi bắt nguồn từ vùng núi phía Tây huyện Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quê nghèo khó, không may mắn như các bạn bè đồng môn, ông bị mờ một bên mắt, một chân yếu vì dịch đậu mùa từ thuở nhỏ. Những tháng ngày nhịn đói, chân trần vượt qua trảng cát nóng tới trường học càng luyện nên đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó trong ông.

Hơn thế, tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của Đại tướng được hun đúc từ cảnh nước mất, nhà tan; chứng kiến người dân lương thiện chốn thôn quê cơ cực, bần cùng dưới chế độ thực dân, phong kiến. Năm 16 tuổi, cơ duyên tiếp xúc những người yêu nước tiến bộ đã giúp người thiếu niên Lê Đức Anh được giác ngộ lý tưởng cách mạng.

Không lâu sau, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Bắt đầu bằng việc đọc sách, báo, tuyên truyền trong dân chúng, Đại tướng Lê Đức Anh dần tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến và đòi tự do, dân chủ ở làng quê. Ở tuổi 18, chàng thiếu niên xứ Huế vinh dự được kết nạp, đứng trong hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi tại quê hương với bao khó khăn đã tôi luyện đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sỹ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng viết lưu bút trong sổ vàng lưu niệm tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh: Đại tướng Lê Đức Anh, một cán bộ quân sự-chính trị... đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi trải qua nhiều thử thách, Đại tướng Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân; góp phần to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng khẳng định "là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta.”

Người con xứ Huế giản dị, nặng lòng với quê hương

Rời quê hương Thừa Thiên-Huế tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu nhưng tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn vẫn đau đáu, sâu đậm trong trái tim vị Đại tướng Lê Đức Anh.

Trái với vẻ nghiêm khắc trong chiến đấu hay công việc, Đại tướng Lê Đức Anh là một người giản dị, gần gũi, giàu tình yêu thương mỗi khi sống gần dân. Những lần trở về quê hương, ông thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần hỏi han cuộc sống, tình hình lao động sản xuất, động viên bà con thi đua yêu nước. Đối với người dân nơi đây, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là người con kiệt xuất của Lộc An mà còn là một con người giản dị, gần gũi.

Ông Lê Văn Lân (trưởng tộc họ Lê, cháu Đại tướng Lê Đức Anh) kể về những kỷ niệm của Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Ông Lê Văn Lân (trưởng tộc họ Lê, cháu Đại tướng Lê Đức Anh) kể về những kỷ niệm của Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Các lớp bô lão ở xã Lộc An nói chung và làng Bàn Môn nói riêng vẫn còn nhớ về những lần tiếp xúc với Đại tướng Lê Đức Anh. “Thuở ấy, ông ấy là Chủ tịch nước nhưng hễ về đây lại bình dị ngồi ăn chung một bàn cùng với các con cháu, không phân biệt cao thấp trong dòng họ. Ông ấy xem bà con ở thôn như chính người nhà của mình vậy nên được bà con rất yêu quý,” Ông Lê Văn Lân (trưởng tộc họ Lê) bồi hồi kể lại.

Con sông Truồi chảy qua làng Bàn Môn năm xưa là nơi in dấu nhiều kỷ niệm thuở nhỏ của đồng chí Lê Đức Anh. Cũng chính nơi đây, trong một đêm đông năm 1939, ông vượt sông, rời làng dấn thân vào cuộc đời Cách mạng. Vì vậy, những ngày về lại làng, Đại tướng Lê Đức Anh thường ghé bến sống Truồi câu cá, dùng cơm với bà con để ôn lại những kỷ niệm xưa.

Trước khi rời đi, Đại tướng bao giờ cũng dành thời gian ăn bữa cơm cùng bà con và gia đình ở quê. Cá bống kho nồi đất, canh rau muống, nước chè Truồi... là những món ăn giản dị mà Đại tướng thường dùng.

Thương nhớ Đại tướng, anh Lê Trung Thành (cháu gọi Đại tướng Lê Đức Anh là chú) tự nguyện trông coi Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh (làng Bàn Môn). Anh Thành tiết lộ: Khi tỉnh Thừa Thiên-Huế có ý định xây dựng Nhà Văn hóa này, Đại tướng nhiều lần không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến đất sản xuất của nhân dân. Đến mãi sau này, Đại tướng mong muốn có nơi để người dân đọc sách, báo, nâng cao kiến thức nên đã đồng ý xây dựng với khuôn viên nhỏ nhất có thể.

Đồng chí Lê Đức Anh sống mãi trong lòng người dân xứ Huế

Những ngày này, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh, rất đông các cán bộ, học sinh, sinh viên và người dân khắp mọi miền đã đến thăm Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh.

Công trình chính của Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh là thư viện được xây dựng theo phong cách nhà rường Huế, có 3 gian trang bị nhiều tủ sách với hàng nghìn cuốn sách. Sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh mong muốn các cấp chính quyền, nhân dân Thừa Thiên-Huế sưu tầm sách, báo, tài liệu có giá trị để bổ sung vào nhà văn hóa nhằm bồi dưỡng tinh thần, nâng cao kiến thức mọi mặt cho người dân mỗi khi đến đây.

Bên cạnh đó, nhà văn hóa sẽ góp phần củng cố, nâng cao ý chí độc lập, chủ quyền cũng như trình độ khoa học, công nghệ; phổ biến những tiến bộ mới của xã hội cho bà con trong vùng.

Thường xuyên đến Nhà văn hóa để đọc sách, tìm hiểu về con đường Cách mạng của Đại tướng, bạn Nguyễn Đức Bảo Nguyên (lớp 12A1, học sinh trường Trung học phổ thông An Lương Đông, xã Lộc An) cho biết: “Em rất tự hào khi là một người con được sinh ra trên quê hương của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và tự nhủ bản thân cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để trở thành con ngoan, trò giỏi, niềm tự hào của xã Lộc An.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc Trần Văn Minh Quân cho biết: Người dân huyện Phú Lộc rất vinh dự là quê hương của đồng chí Lê Đức Anh - người cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến hy sinh cho đất nước. Huyện xác định sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho người dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ noi theo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những lần trở về quê hương, Đại tướng Lê Đức Anh thường ghé thăm trụ sở UBND xã Lộc An và dặn dò các cán bộ phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để giúp dân vượt khó vươn lên. Nhân dân phải cố gắng ứng dụng, đưa khoa học công nghệ vào lao động sản xuất để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế hệ trẻ cần được chăm lo học hành để sau này sống có ích với xã hội.

“Nhớ những lời căn dặn ấy, chính quyền và nhân dân xã Lộc An đã phấn đấu phát triển không ngừng. Từ một xã nghèo, đến nay Lộc An đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; là trung tâm giao thương lớn của các xã Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Hòa và Lộc Điền,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc An Trương Thanh Tín cho hay.

Người dân huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) dọn dẹp Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh chào mừng 100 năm Ngày sinh Đồng chí Lê Đức Anh. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Người dân huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) dọn dẹp Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh chào mừng 100 năm Ngày sinh Đồng chí Lê Đức Anh. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Về xã Lộc An ngày nay đã có nhiều đổi mới, các tuyến đường liên thôn sạch sẽ đã được bê tông hóa với những bồn hoa, cây cảnh đầy các sắc màu. Mỗi năm, xã vui mừng khi có trung bình từ 50-60 con, em trong xã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Kinh tế địa phương phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ, nông-lâm-ngư nghiệp; giúp thu nhập bình quân của người dân tăng cao, cuộc sống được cải thiện.

Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Sau những cống hiến vẻ vang ấy, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần vào ngày 22-4-2019 tại thành phố Hà Nội. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng đội và toàn thể nhân dân Việt Nam. Hình ảnh về nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, giản dị vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân xứ Huế và nhân dân cả nước.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.