Các địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ 9.338 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai

.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước với nhiều loại hình thiên tai. Theo đó, có 10 cơn bão trên Biển Đông; 263 trận giông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, có 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử xảy ra từ ngày 6 đến 22-10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, 82 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long...

Tính từ đầu năm 2020 đến ngày 6-11, thiên tai đã làm 275 người chết, 65 người mất tích, 819 người bị thương, 3.276 căn nhà bị sập, 280.766 nhà bị hư hại và tốc mái, 414.451 nhà bị ngập nước cùng nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy lợi, giao thông... Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai là hơn 33.449 tỷ đồng. Riêng các đợt lũ và bão số 9 xảy ra trong tháng 10 đã làm 237 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 28.005 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, hiện nay, các tỉnh đang đề xuất Trung ương hỗ trợ 9.338 tỷ đồng, 11.500 tấn gạo, cùng các loại cây, con giống, hóa chất khử trùng, vắc-xin phòng dịch bệnh trong chăn nuôi, thuốc khám chữa bệnh... Trong đó, tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ 1.428 tỷ đồng, Quảng Bình là 550 tỷ đồng, Quảng Trị là 1.600 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế là 1.005 tỷ đồng, Quảng Nam là 1.500 tỷ đồng, Quảng Ngãi là 1.625 tỷ đồng, Bình Định là 1.380 tỷ đồng, Kon Tum là 150 tỷ đồng...

* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo đến 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm bão Atsani ở cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 230km về phía tây nam với sức gió mạnh nhất mạnh cấp 8-9, giật trên cấp 11. Bão Atsani di chuyển theo hướng tây, sau đó có khả năng đổi hướng theo hướng tây nam với tốc độ từ 25-30km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 8-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 130km về phía bắc đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp  6, giật cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Trong ngày 7-11, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng lên mức báo động (BĐ) 1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Ngãi có khả năng lên trên mức BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.