Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC), hoạt động của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố ngày càng ổn định, nền nếp và hiệu quả. Từ đó, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tuân thủ nghiêm quy chế dân chủ khi giải quyết công việc với tổ chức, công dân. Trong ảnh: Công dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa” phường Nam Dương, quận Hải Châu. Ảnh: L.P |
Ngày 9-1-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP quy định các nội dung về: Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Để thực hiện tốt QCDC trong nội bộ cơ quan, đơn vị, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố đã ban hành nhiều văn bản quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; quy định về công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm; quy định về quản lý, điều hành tại nơi làm việc,… tạo định hướng đúng đắn cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo thực hiện.
Tại UBND quận Hải Châu, thực hiện QCDC tại nơi làm việc, lãnh đạo quận duy trì thực hiện các cuộc họp giao ban hằng tuần, tháng, quý, năm; bố trí thời gian để cán bộ, công chức gặp gỡ, trao đổi công việc; thực hiện tốt các nội dung công khai về kinh phí công tác của cơ quan; dự toán, quyết toán hằng năm các nguồn kinh phí. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật,…được lãnh đạo quận thực hiện công khai, minh bạch, tạo không khí thân thiện, phấn khởi tại nơi làm việc.
Tại quận Thanh Khê, nhờ thực hiện tốt QCDC trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, toàn hệ thống chính trị quận luôn bảo đảm hoạt động ổn định và bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Khê, 3 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cả hệ thống chính trị từ quận đến phường và các đơn vị sự nghiệp thuộc quận đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để việc sắp xếp, tinh gọn đạt hiệu quả, các địa phương, đơn vị đã thực hiện nghiêm QCDC, công khai, minh bạch mọi thông tin về số lượng, thời gian, lộ trình tinh giản; chế độ, quyền lợi cho người tinh giản. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn quận không xảy ra tình trạng đơn thư, tố cáo nặc danh gây ảnh hưởng trong nội bộ.
Trong quan hệ và giải quyết công việc với tổ chức, công dân, việc thực hiện QCDC được các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Để việc thực hiện QCDC đạt hiệu quả, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thực hiện chủ trương “3 công khai”, gồm: công khai chất lượng giảng dạy, giáo dục; chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, để bảo đảm dân chủ, minh bạch trong năm học mới 2020-2021, ngày 26-10-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông báo số 2914/TB-SGDĐT về việc công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực đầu năm học 2020-2021. Theo đó, sở đã công khai số điện thoại đường dây nóng và số điện thoại cán bộ thanh tra thường trực để tiếp nhận các thông tin phản ánh tiêu cực trong việc tổ chức thu chi đầu năm học; các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; việc thực hiện các quy định về chương trình, sách giáo khoa, hồ sơ, sổ sách và tài liệu tham khảo trong nhà trường; việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn trường học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.
Tại các địa phương, việc thực hiện QCDC được cụ thể hóa thông qua việc lắp đặt camera giám sát, quản lý công việc, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với tổ chức, công dân tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp quận, huyện, phường, xã. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng phản ánh của thành phố là 1022; công khai niêm yết tại trụ sở UBND quận, huyện, phường, xã các thông tin, thủ tục hành chính, lịch công tác, số điện thoại, thư điện tử của lãnh đạo, lịch tiếp công dân; công khai địa chỉ khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với chất lượng dịch vụ công trực tuyến và cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “Một cửa”… Nhờ đó, đã mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích, minh bạch, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, cửa quyền của cán bộ, công chức đối với công dân.
Việc tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân được lãnh đạo thành phố và các địa phương, đơn vị đặc biệt coi trọng. Định kỳ hằng tuần và hằng tháng, lãnh đạo các địa phương bố trí lịch tiếp công dân. Qua đó, đã giải quyết thấu đáo, kịp thời những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để phát sinh vụ việc tồn đọng, đơn thư kéo dài, vượt cấp; đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân dân, góp phần hoàn thiện những quy định, thể chế trong công tác quản lý, điều hành tại địa phương, từng bước củng cố và xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh.
LAM PHƯƠNG