KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH PH. ĂNG-GHEN (28-11-1820 - 28-11-2020)

Vận dụng tư tưởng của Ph. Ăng-ghen vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph. Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895) (Ảnh: Nguồn tulieuvankien.dangcongsan.cn)
Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895). (Ảnh: Nguồn tulieuvankien.dangcongsan.cn)

Tư duy biện chứng của Ph. Ăng-ghen về phương thức phát triển “rút ngắn” cho thấy rõ, nước ta có điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về khách quan, trước hết đó chính là yếu tố thời đại.

Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta diễn ra trong thời đại mà nội dung chủ yếu của nó vẫn là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị thế thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Thực tế khách quan này vừa đặt ra thách thức không nhỏ, vừa tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển đất nước.

Những tư tưởng của Ph. Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện phát triển nền kinh tế. Đảng đã khẳng định: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”.

Qua 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn thành tựu và cách làm trước đây, mà là khẳng định những gì trước kia hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, hoặc những gì trước kia đúng nhưng nay không còn phù hợp, bổ sung nhận thức mới và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, của Ph. Ăng-ghen về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Đảng ta đã tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rõ hơn, trên cơ sở đó Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Kinh nghiệm và những bài học được tích lũy để Đảng ta từng bước hoàn thiện lý luận đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nội lực của đất nước và dân tộc đã được huy động vào các mục tiêu phát triển, cùng với các nguồn ngoại lực ngày càng được tận dụng, khai thác có hiệu quả, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”.

Có thể nói, phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư duy biện chứng của Ph. Ăng-ghen nói riêng là một hệ thống tri thức quý báu, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu nghiêm túc để có thêm cơ sở khoa học cho bổ sung, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học để tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

(Trích Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph. Ăng-ghen của Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
;
.
.
.
.
.