Nghịch lý chiếc khẩu trang

.

Trong đại dịch Covid-19, chiếc khẩu trang trở thành công cụ phòng, chống hữu hiệu, được cơ quan chức năng không chỉ khuyên dùng mà còn là yêu cầu bắt buộc phải dùng để phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam và một số nước ở châu Á, chiếc khẩu trang thực sự “lên ngôi” khi được đại đa số người dân sử dụng và coi đó là một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Ở các nước phương Tây, nơi từng dành cho chiếc khẩu trang sự hoài nghi, thậm chí xem đó như một “tiêu chí” để phân biệt đối xử đối với người... châu Á, thì đến lần thứ hai, khi Việt Nam và một số nước châu Á nhanh chóng kiểm soát được Covid-19, mọi chuyện đã xoay chiều. Ở châu Âu, Mỹ, nơi đã từng có rất nhiều người phản đối việc sử dụng khẩu trang, giờ đây việc đeo khẩu trang đã trở nên khá phổ biến. Trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh lãnh đạo các nước đeo khẩu trang làm việc, tiếp khách... dần trở nên quen thuộc, thậm chí, ở một số quốc gia đã có quy định xử phạt nếu công dân đến nơi công cộng không đeo khẩu trang. Công dụng chiếc khẩu trang đã được công nhận trên bình diện quốc tế.

Tiếc rằng ở Việt Nam, nơi chiếc khẩu trang đã “lên ngôi” trong việc phòng, chống dịch bệnh, thì gần đây lại xuất hiện tình trạng người dân “quên” đeo khẩu trang khi đến nơi tập trung đông người. Tâm lý chủ quan cho rằng Covid-19 đã được khống chế hoàn toàn đang có xu hướng lan rộng trong cộng đồng. Cho dù mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới số ca nhiễm mới liên tục tăng, một số nước phải thực hiện tái giãn cách xã hội trở lại để ngăn chặn đợt bùng phát dịch tiếp theo. Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cũng đã khuyến nghị các địa phương, người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác trước đại dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế liên tục kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế), với “ngôi đầu”’ là chiếc khẩu trang để phòng ngừa dịch.

Hơn lúc nào hết, từng người dân có thể nâng cao ý thức trách nhiệm bằng việc tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế..., và trước hết hãy bắt đầu từ chiếc khẩu trang.

T.S

;
;
.
.
.
.
.