* Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Quảng Nam 8 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định 6 tỷ đồng
Sau khi trực tiếp thị sát công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và thăm hỏi đời sống người dân tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, chiều 1-11, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn. Dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Về phía thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem bản đồ chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP |
“Có tiền đến đâu hỗ trợ cho người dân nhanh đến đó”
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải có biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề trước tình hình bão lũ lớn, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá, các địa phương miền Trung đã khắc phục được một phần thiệt hại của bão số 9 với sự hỗ trợ từ Trung ương.
Thủ tướng biểu dương các lực lượng của trung ương, chính quyền và nhân dân các địa phương miền Trung đã “ngày đêm bám sát hiện trường”, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt trước, trong và sau bão để cứu người.
Chia sẻ với những mất mát của các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, khó khăn phía trước còn nhiều. Đảng, Nhà nước tin tưởng người dân miền Trung anh hùng sẽ vượt lên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với địa hình, địa chất, từ ngàn đời nay, miền Trung cần học cách sống chung với bão lũ, “chúng ta phải sẵn sàng thích ứng phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, tìm mọi biện pháp thích ứng với thiên nhiên”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề nữa mà “chúng ta rất day dứt” là phải tìm mọi biện pháp cứu người còn mất tích ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định. Đồng thời tích cực điều trị người bị thương; phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn kịp thời hơn nữa. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải lo vấn đề này, để người dân bớt khổ đau hơn. Không được để người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật sau lũ. Chính vì thế, việc hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đến người dân kịp thời, liên tục. Vận động mọi biện pháp để học sinh trở lại trường, có sách vở học tập. Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, thuận lợi, có tiền đến đâu hỗ trợ cho người dân nhanh đến đó. “Nhân đây chúng tôi cũng hoan nghênh tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm đến từ các địa phương”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lực lượng, phương tiện, kể cả máy bay trực thăng, tàu thủy… để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ, tăng nguồn nhân lực, nhất là nhiệm vụ này trong Quân khu 5, Quân khu 4. Bộ Công thương chỉ đạo khôi phục hệ thống điện, sản xuất công nghiệp, cung ứng đủ hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, vật liệu, sửa chữa nhà cửa, đặc biệt kiểm soát tốt giá cả thị trường. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất.
Thủ tướng đồng ý đề xuất bổ sung gạo hỗ trợ cho các tỉnh, lưu ý gạo phải đưa đến dân, đúng đối tượng; đồng thời nhất trí hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có khoản hỗ trợ nhà sập, hư hỏng nặng cho người dân. Tuy nhiên, cần thống kê chính xác, bảo đảm công bằng cho người dân. Nhấn mạnh vai trò điều tiết, cắt lũ của thủy điện, Thủ tướng yêu cầu rà lại quy trình liên hồ, đơn hồ chặt chẽ trong phòng, chống thiên tai.
Bộ, ngành sát cánh cùng địa phương
Tại buổi làm việc, nhiều nội dung đề xuất, kiến nghị đã được báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho biết, bão số 9 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở các địa phương. Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam còn ít nhất 22 người mất tích do sạt lở núi, tại tỉnh Bình Định còn 23 ngư dân chưa tìm thấy. Ngoài thành phố Đà Nẵng có thể “tự lo được”, 3 địa phương còn lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, tuy Đà Nẵng không nằm trong khu vực tâm bão đi qua, nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, thành phố đã quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 9, qua đó giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: LÊ THÀNH LÂN |
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt nòng cốt là lực lượng quân đội, công an, biên phòng..., đến ngày 1-11, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản khắc phục khoảng 80% thiệt hại sau bão số 9.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, hiện Đà Nẵng vẫn tập trung hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão và triển khai các phương án ứng phó với bão số 10 sắp tới...
"Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn huyện Hòa Vang, qua đó xác định 146 hộ dân, với khoảng 600 người trú ở những điểm có nguy cơ sạt lở. Người dân đã cam kết khi có mưa là phải di chuyển ngay, không chờ chính quyền kêu gọi. Ngoài ra, Đà Nẵng đã thống nhất việc triển khai xây dựng quy hoạch tái định cư cho các hộ dân này, không để các hộ dân ở phân tán dưới sườn núi như hiện nay. Đây là biện pháp lâu dài, không để bị động khi có mưa bão xảy ra", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nói.
Đặc biệt, để kịp thời chia sẻ trước những khó khăn, tổn thất to lớn về người và tài sản mà các địa phương gánh chịu trong đợt bão lũ vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam 8 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, mỗi tỉnh 3 tỷ đồng nhằm góp phần khắc phục hậu quả bão số 9.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, công trình hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hôm nay, chuyến bay đầu tiên đã được thực hiện để đưa lương thực đến cho người dân ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn bị chia cắt nhiều ngày qua. Các chiến sĩ, dân quân và người dân 2 xã Phước Kim và Phước Thành đã cắt rừng từ xã Phước Kim để cõng gạo và lương thực, thực phẩm đến người dân xã Phước Thành. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, ước tính sơ bộ, thiệt hại ban đầu khoảng 3.000 tỷ đồng; đề nghị Trung ương hỗ trợ, nhất là kinh phí sửa chữa nhà cửa cho người dân. Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 5 hỗ trợ khẩn cấp việc khôi phục tuyến đường đến Phước Lộc, nơi 3.000 dân bị cô lập, không thể cứ tiếp tế mãi bằng trực thăng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mái tôn trên địa bàn tỉnh “cháy hàng”, tỉnh mong muốn các bộ, địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định bảo đảm đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Bộ Tài chính cho biết, đã xuất cấp xong số lượng gạo hỗ trợ cho các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ đã đề xuất mức hỗ trợ cho người dân bị sập nhà, hư hỏng nhà do bão lũ, với mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng đối với mỗi hộ bị sập nhà, 10 triệu đồng với nhà bị tốc mái, đồng thời đề nghị các tỉnh rà soát một cách chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, bộ sẽ tổ chức đoàn công tác đi khảo sát tại các tỉnh miền Trung, rà soát, bổ sung quy định về quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng công trình. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ ứng 500 tỷ đồng dành cho khắc phục giao thông ở các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ.
Trong ngày 1-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam điều động các cán bộ, chiến sĩ và 2 canô tìm kiếm người mất tích tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My trên sông Leng và sông Tranh. Hiện nay, vẫn còn 14 người mất tích trong vụ sạt lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng. Dù lực lượng chức năng và đội chó nghiệp vụ đã tích cực tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy thêm nạn nhân. Các cơ quan chức năng nhận định có khả năng các nạn nhân đã bị cuốn trôi ra sông Leng và sông Tranh nên huy động người và phương tiện tìm kiếm các nạn nhân mất tích trên 2 sông. Cùng ngày, Sư đoàn Không quân 372 đã chuyển hàng tiếp tế cho người dân đang bị cô lập do giao thông chia cắt tại huyện Phước Sơn bằng máy bay trực thăng. Tỉnh Quảng Nam đã bàn giao cho Sư đoàn Không quân 372 khối lượng hàng cứu trợ gồm: 20 tấn gạo, 650 thùng mì tôm, 650 suất nhu yếu phẩm (gồm dầu ăn, mì chính, nước mắm, cá…) và 500 bộ chăn, màn để tiếp tế cho 3.000 hộ dân 2 xã Phước Lộc và Phước Thành (huyện Phước Sơn). Cùng ngày, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên bằng đường bộ cũng đã được lực lượng cứu hộ băng rừng, lội suối vận chuyển vào tiếp tế cho người dân đang bị cô lập do bị tắc đường giao thông tại xã Phước Thành (huyện Phước Sơn). Trong những ngày qua, lực lượng cứu hộ đã dùng dây cáp và ròng rọc để đưa 200 công nhân ở công trình thủy điện Đăk Mi 2 ra ngoài an toàn. * Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự kiến trong ngày 2-11, bão Goni đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 2-11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ từ 15-20km/giờ. Đến 13 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12. Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ từ 10-15km/giờ và đến 13 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ vĩ bắc, 110 độ kinh đông, cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 180km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. HOÀNG HIỆP |
THÀNH LÂN