Hòa Châu thay áo mới

.

Qua hai lần về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) thay đổi rất nhiều. Các trục đường chính có vỉa hè thoáng rộng, cây xanh tươi tốt, đèn điện giăng giăng, hàng quán nhộn nhịp. Các tuyến đường bê-tông liên thôn kéo dài vào tận nhà, làng trên xóm dưới sạch sẽ hơn. Và niềm vui tràn đầy trên những gương mặt bởi mức thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Hình thành cách đây 18 năm, vùng trồng hoa thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu ban đầu chỉ có vài nông dân làm quen với cây hoa cúc, nay có 24 hộ thành viên tham gia với tổng diện tích 4,5ha. Với hệ thống đường điện, giếng khoan nước phủ gần rộng khắp, làng hoa Dương Sơn đang ngày càng tập trung, chuyên nghiệp, cung cấp ra thị trường phong phú các loại hoa như: hướng dương, hoa lan mokara, lan hồ điệp, hoa súng, hoa sen, dạ yến thảo...

Dương Sơn hiện là vùng hoa lớn nhất huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN SƠN
Dương Sơn hiện là vùng hoa lớn nhất huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN SƠN

Nhờ trồng hoa, nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Điển hình phải kể đến các hộ ông Hồ Văn Lạc, Võ Thịnh, Trần Dũng Quốc… có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/hộ/năm. Hiện làng hoa này có quy mô lớn nhất trên toàn huyện, địa phương đang xây dựng thành mô hình điểm vừa sản xuất hoa, kết hợp với dịch vụ tham quan du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Ông Trần Dũng Quốc, thành viên tổ hợp tác hoa Dương Sơn cho hay, mô hình hoa treo dạ yến thảo với quy mô hơn 1.500m2 của ông cung ứng ra thị trường hơn 20.000 chậu/năm, thu về lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhờ áp dụng công nghệ cao (CNC), năng suất và chất lượng hoa ngày càng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Xã Hòa Châu bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM từ năm 2011. Thời điểm đó, hơn 50% đất nông nghiệp của Hòa Châu bị thu hồi. Theo ông Lê Đức Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Châu, không thể phát triển nông nghiệp nếu không có quỹ đất. Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.

Về nông nghiệp, chuyển dịch từ làm nông truyền thống sang hướng áp dụng CNC, chọn lựa các giống lúa có chất lượng cao hơn; hệ thống kênh mương tưới tiêu, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được đầu tư, nâng cấp. Nhiều hộ dân chuyển đổi thành công sang mô hình sản xuất hoa CNC với tổng doanh thu bình quân hằng năm của vùng hoa đạt 5,1 tỷ đồng. “Đặc biệt, sản phẩm bánh khô mè Quang Châu được khôi phục và phát triển, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Bánh khô mè Quang Châu được chính quyền địa phương chọn tham gia xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng của Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Trong thời gian tới, sản phẩm bánh khô mè sẽ được đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa”, ông Hùng nói.

Để hiện thực hóa chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, năm 2014, chợ Hòa Châu được xây dựng tại khu B Nam cầu Cẩm Lệ. Cùng với đó, chợ Phong Nam được nâng cấp. Hiện tại, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển mạnh ở khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, quốc lộ 1A, tuyến đường ĐT605... Đầu nhiệm kỳ, xã có 188 hộ kinh doanh cá thể, đến cuối nhiệm kỳ tăng lên 569 hộ. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng giải quyết hàng trăm lao động cho địa phương, với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế trên địa bàn phát triển theo đúng định hướng cơ cấu thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng với tốc độ tăng trưởng hằng năm khá cao là 13,54% (Nghị quyết giao 13%). Chính quyền xã xác định tiếp tục tập trung thực hiện đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị”; chuyên đề “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM” gắn với Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Trao cần câu cho hộ nghèo

Là xã ở vùng ngoại ô thành phố, Hòa Châu đang trong quá trình “thay da đổi thịt” nên vẫn không ít hộ dân còn khó khăn. Trước tình hình đó, Nghị quyết của Đảng ủy xã Hòa Châu về việc thực hiện 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 về mô hình “Mỗi thôn, mỗi hội, đoàn thể huy động nguồn lực hỗ trợ từ 1-2 hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động có điều kiện tổ chức chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh buôn bán, vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là mô hình “Hỗ trợ sinh kế”). Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể xã đã cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai mô hình này đồng bộ đến 8 thôn của xã và nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, nhân dân.

Đơn cử như, hộ gia đình bà Đoàn Thị Sửu (thôn Tây An). Ở tuổi ngoài 60 tuổi, bà vẫn miệt mài lao động mỗi ngày để nuôi 6 miệng ăn. Các chị em hội viên Hội phụ nữ xã hướng dẫn bà cách nấu bún bò và mở quán ngay tại nhà. Ngoài bán đồ ăn uống, bà còn chăn nuôi heo, gà nên cuộc sống khá hơn trước rất nhiều. “Nhờ mấy chị em chỉ bảo tận tình cách nấu bún bò vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên quán của tôi luôn có lượng khách ổn định. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Mặt trận và các đoàn thể xã đúng lúc, đúng thời điểm mà tôi có đà vững chắc để vươn lên”, bà Sửu nói.

Trong 3 năm qua, xã hỗ trợ 25 địa chỉ, với tổng số tiền 75 triệu đồng không hoàn lại từ Mặt trận xã. Hội, đoàn thể và các thôn hỗ trợ 21 hộ (trong 25 hộ) mượn vốn 10 triệu đồng/hộ, tổng tiền 210 triệu đồng. Các hộ đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Thử, Nguyễn Thị Xinh (thôn Dương Sơn); bà Trần Thị Đoan Thanh (thôn Giáng Đông)... Hằng năm, Mặt trận xã đều duy trì thực hiện mô hình và tổ chức đối thoại với hộ nghèo còn sức lao động, qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của từng hộ gia đình để tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế. Ban Thường trực Mặt trận xã, Hội, đoàn thể và Ban Công tác Mặt trận thôn thường xuyên theo dõi, giám sát các hộ nhận hỗ trợ sinh kế nhằm động viên hộ nghèo làm ăn phát triển kinh tế và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Theo bà Trần Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu, với mục đích vừa theo dõi vừa động viên các hộ nghèo trong phát triển kinh tế gia đình và kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà các hộ nghèo gặp phải, Mặt trận, Hội, đoàn thể còn vận động các nhà hảo tâm trao tặng những suất quà cho người nghèo vào những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, dịp khai giảng năm học mới. Trong 5 năm, Mặt trận xã đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 650 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này và các nguồn vận động của cấp trên đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 20 nhà cho hộ nghèo với số tiền 330 triệu đồng, hỗ trợ sinh kế cho 39 hộ nghèo với số tiền 140 triệu đồng…

Hiện nay, 100% hộ dân của xã Hòa Châu dùng nước sạch, 8/8 thôn thực hiện mô hình “Thôn không rác”, “Thôn, xã thân thiện với môi trường”, 5 trường học trên địa bàn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Cùng với đạt tiêu chuẩn về hạ tầng cơ sở, xã Hòa Châu được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, y tế và nhiều năm liền được thành phố công nhận là “Xã văn hóa”.

Ngày 18-10-2019, xã Hòa Châu là 1 trong 175 xã, thị trấn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại lễ tuyên dương điển hình, tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2019”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.