* Bão Vamco đi vào Biển Đông
Trong ngày 11-11, mưa lớn do hoàn lưu bão số 12 và không khí lạnh kết hợp với các hồ thủy điện xả nước điều tiết lũ trên lưu vực sông Vu Gia làm lũ trên các sông Yên, Cu Đê, Túy Loan dâng cao, gây ngập lụt nhiều khu vực trên địa bàn các xã: Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Bắc của huyện Hòa Vang.
Nước lũ chảy xiết, tràn qua đường ĐH.409 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vào trưa 11-11. Ảnh: H. HIỆP |
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, đến chiều 11-11, lũ trên sông Yên và sông Túy Loan đã gây ngập cục bộ một số khu vực dân cư, nhất là các đoạn, tuyến đường trũng thấp. Xã đã triển khai chốt chặn các đoạn, tuyến đường bị ngập sâu và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán người dân ở các khu vực trũng thấp nếu lũ vẫn tiếp tục dâng lên cao.
Còn theo UBND xã Hòa Tiến, lũ lớn từ sông Yên tràn vào đã gây ngập sâu khu vực cầu Bến Giang (thôn Lệ Sơn 2) và các đoạn đường ở thôn Lệ Sơn 2, La Bông, An Trạch, Cẩm Nê, Lệ Sơn Nam, Lệ Sơn Bắc, đường ĐH.409... Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại chỗ của xã và các thôn đã tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường bị ngập. Các lực lượng Công an, quân sự của xã triển khai thực hiện kế hoạch và phân công lực lượng sẵn sàng phòng, chống thiên tai.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cũng thông tin, lũ sông Cu Đê dâng cao gây ngập đường, cầu tràn qua thôn Lộc Mỹ vào chiều 10-11. Đến sáng 11-11, lũ tiếp tục dâng cao gây ngập cục bộ ở 3 thôn Nam Yên, An Định và Lộc Mỹ, trong đó, tuyến đường chính của thôn Nam Yên bị nước sông Cu Đê dâng cao gây ngập sâu 0,8m. Xã Hòa Bắc đã chủ động sơ tán 50 hộ dân ở các khu vực thấp trũng và có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở đất do mưa lớn.
Theo ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, ngày 11-11 trên địa bàn huyện Hòa Vang có mưa lớn, làm mực nước các sông Yên, Cu Đê, Túy Loan dâng cao và các hồ chứa trên địa bàn huyện đã đầy nước. Huyện đã chỉ đạo di dời khẩn cấp 146 hộ dân (533 người) nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao tại 4 xã Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Bắc. Đồng thời, triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, các công trình nhà màng, nhà lưới ở các vùng chuyên canh và thông báo người dân dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm chủ động phòng, chống mưa lũ kéo dài. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ động nắm tình hình lũ ở các xã và đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho học sinh nghỉ học...
Đến 16 giờ ngày 11-11, các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 xả về sông Vu Gia với tổng lưu lượng đến 1.424m3/s; hồ thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 đang xả lũ về sông Thu Bồn với tổng lưu lượng đến 1.820m3/s. Trong khi đó, mực nước trên sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch đã dâng lên mức 5,6m. Với lưu lượng lũ xả về nói trên, trong ngày 12-11, lũ từ sông Vu Gia sẽ tiếp tục gây ngập sâu khu vực các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đến sáng 12-11, lũ trên sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa sẽ dâng lên mức 9,2m, trên báo động (BĐ) 3 là 0,2m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 4m, ở mức BĐ3; sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,7m, trên BĐ3 là 0,2m và sông Hương tại Kim Long lên mức 3,5m, ở mức BĐ3... Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
* Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 12-11, bão Vamco đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 12-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc, 118,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15. Dự báo, bão Vamco di chuyển chủ yếu theo hướng tây, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 15-20km/giờ. Đến 13 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ vĩ bắc, 110,3 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía tây nam với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Quảng Nam: Rà soát, sơ tán dân tại 93 vị trí nguy cơ cao sạt lở đất Ngày 11-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các huyện, xã chủ động rà soát, kiểm tra thực hiện sơ tán đối với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My (14 vị trí), Phước Sơn (13 vị trí), Bắc Trà My (30 vị trí), Nam Giang (12 vị trí), Tây Giang (6 vị trí), Đông Giang (4 vị trí), Hiệp Đức (6 vị trí), Nông Sơn (4 vị trí), Tiên Phước (4 vị trí). Ngoài ra, tại một số xã có địa hình đồi núi thuộc các huyện trung du và đồng bằng cần xem xét kiểm tra các khu dân cư sinh sống lân cận để có cảnh báo và biện pháp ứng phó phù hợp, nhất là tại xã Đại Lãnh và Đại Sơn (huyện Đại Lộc); xã Duy Sơn, Duy Phú (huyện Duy Xuyên); xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn), xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành). Được biết, mưa lớn liên tục nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường và khu vực trũng thấp tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Đại Lộc, Hội An, Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) bị ngập lũ, lụt, giao thông chia cắt cục bộ do nước lũ dâng cao và xảy ra sạt lở đất tại nhiều điểm. Đặc biệt, vào lúc 14 giờ 45 ngày 11-11, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Quốc lộ 40B (gần chân đập thủy điện Sông Tranh 2, thuộc địa phận xã Trà Tân, Bắc Trà My) khiến nhiều người bị vùi lấp, trong đó 6 người may mắn thoát nạn (1 người bị gãy 2 chân và 1 người bị chấn thương ở cổ), 1 người nghi mất tích và nhiều xe máy của người dân bị vùi lấp. |
HOÀNG HIỆP