Ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão

.

ĐNO - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ sáng 3-11, vị trí tâm bão số 10 ở khoảng 14,9 độ vĩ bắc, 115,3 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10km/giờ. Đến 7 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,3 độ vĩ bắc, 113,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía nam đông nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Trong từ 24-48 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10km/giờ. Đến 7 giờ ngày 5-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ vĩ bắc, 110,7 độ kinh đông, cách đất liền từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 150km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.

Trong từ 48-72 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam với tốc độ từ 10-15km/giờ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 6-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,1 độ vĩ bắc, 107,7 độ kinh đông với sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6.

* Tối 2-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện gửi các bộ, ngành, đơn vị và các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa về ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp do hoàn lưu bão gây ra từ ngày 4 đến 7-11 (các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có lượng mưa từ 300-400mm; lũ các sông trong khu vực lên trở lại ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Theo đó, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo thường xuyên cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không chủ quan dẫn đến các sự cố đáng tiếc như trong một số cơn bão vừa qua.

Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ nhất là tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với lực lượng chủ lực đóng quân trên địa bàn để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão. Tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân đang bị mất liên lạc đi đôi với việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ. Tập trung nguồn lực giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và khôi phục sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống người dân, đồng thời sẵn sàng ứng phó với bão và mưa sau bão.

Tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua.

Tăng cường dự báo, cảnh báo, bảo đảm kịp thời, sát với diễn biến thực tế, đặc biệt tình hình mưa do hoàn lưu của bão; đẩy mạnh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.