Điểm sáng của thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) không chỉ là việc xây dựng nông thôn mới bằng cách vận động người dân hiến đất, cây cối hoa màu, góp công xây dựng đường giao thông kiệt xóm, mà còn sẻ chia khó khăn để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Đưa chúng tôi đến khu tái định cư Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn, chị Đinh Thị Tiền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Hòa 1, nhắc lại chuyện khó khăn một thời khi vận động bà con trong thôn giao đất để xây dựng tuyến đường Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn dài 900m, từ điểm giao quốc lộ 14B (mới) đến giáp địa giới phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ (chân cầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Dọc theo tuyến đường là cánh đồng rộng khoảng 10ha, xưa là ruộng bậc thang, sau cải tạo thành ruộng phẳng để dễ canh tác. Nông dân khi đó đang canh tác mỗi năm 3 mùa lúa, đạt năng suất mỗi mùa 720kg/sào.
Theo chị Tiền, dự án đường Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn được triển khai năm 2014, gần 2 năm sau tiếp tục triển khai xây dựng khu tái định cư. Người dân trong thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, khi thu hồi đất cho các dự án, nông dân từ 55 tuổi trở lên không có việc làm nên 1/3 trong số 45 hộ có đất thu hồi không đồng ý. Có người nói thẳng: “Nhà tui con cái đông, trả đất nông nghiệp thì lấy chi ăn?!”.
Lãnh đạo xã sau khi được thôn báo cáo liền cử cán bộ xuống triển khai họp dân, giải thích rằng, lúc hình thành con đường đi ngang qua khu dân cư, đời sống người dân nơi đây sẽ thay đổi tích cực ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giao thông nông thôn... Người dân đồng thuận, nhưng đề nghị áp giá sao cho thỏa đáng để bà con có cái vốn chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm đời sống ổn định.
Cán bộ quân dân chính ở thôn đi đầu trong việc chấp hành bàn giao đất. Ông Đồng Đắc Chanh, nguyên Bí thư Chi bộ thôn, bàn giao 1.280m2 đất cho dự án. Sau đó, ông Nguyễn Phan Sen, một người dân trong thôn, bàn giao 1.600m2 đất. Các hộ còn lại cũng nối nhau giao đất.
Ông Nguyễn Đăng Dự, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, trực tiếp đến gặp bà con và hứa sẽ trả tiền sau 1 tháng các hộ bàn giao đất. Và tất cả đã diễn ra đúng như vậy, tạo được niềm tin trong dân. Giờ thì bên con đường khang trang có khu tái định cư sạch đẹp, diện mạo của vùng nông thôn khác hẳn so với trước. Mới đây, qua hai đợt Covid-19 càng thấy rõ sự tương thân tương trợ trong cộng đồng để giữ sự bình an cho cuộc sống của nhân dân Phú Hòa 1. Đợt dịch đầu, thôn không chỉ ủng hộ 2 triệu đồng mà còn vận động Chi hội Phụ nữ thôn nấu 30 suất cơm chiều cho anh chị em trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó có chốt kiểm soát phòng dịch ở Trạm Cảnh sát giao thông Cửa ô Hòa Nhơn.
Đợt dịch sau, trên địa bàn xã có điểm cách ly ở Trường tiểu học số 1 Hòa Nhơn. Để hỗ trợ bữa sáng cho điểm cách ly, thôn vận động chị Võ Thị Lành nấu 200 suất súp, mỗi suất 25.000 đồng; chị Huỳnh Thị Phương Chi nấu 200 suất cháo bò, mỗi suất 20.000 đồng. Chi hội Phụ nữ phối hợp với chị Lành nấu 200 suất cơm trưa bằng kinh phí chi hội vận động các nhà hảo tâm. Ngoài ra, thôn vận động bà con ai có “cây nhà lá vườn” như rau, củ, quả các loại thì mang đến góp cho bữa ăn của các anh chị em lo “trực chiến” phòng, chống dịch ở trụ sở xã. Người dân trong thôn đóng góp kinh phí cùng nhau vượt qua đại dịch.
Những hộ có điều kiện giúp đỡ những gia đình neo đơn, khó khăn một phần lương thực để ổn định cuộc sống, thắm đượm tình làng nghĩa xóm.
VĂN THÀNH LÊ