16 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật

.

“Chỉ bằng tình thương thực sự, người giáo viên chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật mới có thể vượt qua vất vả, nhọc nhằn để trụ vững với nghề”. Đó là chia sẻ của cô Trần Thị Lý (39 tuổi), giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng về hành trình 16 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật của mình.

Cô Trần Thị Lý giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ phát triển kỹ năng vận động.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Cô Trần Thị Lý giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ phát triển kỹ năng vận động. Ảnh: NGỌC PHÚ

Người mẹ thứ hai của trẻ khuyết tật

Thời còn học THPT, Trần Thị Lý thường xuyên đến Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm để hỗ trợ, chăm sóc trẻ khiếm thính. Tại đây, Lý được các sơ dạy kỹ năng chăm sóc trẻ khiếm thính, cách chơi cùng các em. Tốt nghiệp THPT, Trần Thị Lý thi vào ngành giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, Lý về lại Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm và tiếp tục học văn bằng 2 chuyên ngành “Giáo dục đặc biệt”. 5 năm làm việc tại cơ sở Thanh Tâm, cô Lý trở thành một “người mẹ hiền” của những đứa trẻ khiếm thính.

Năm 2009, cô Trần Thị Lý chuyển công tác về Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng. Ngày đầu nhận lớp gồm 9 trẻ, cô Lý rất áp lực dù đã có nhiều năm kinh nghiệm. Cô cho biết, trước đây chỉ tiếp xúc với một dạng tật khiếm thính, nay trong lớp học đủ các dạng tật: khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, tăng động, suy giảm trí nhớ; có em lại tổng hợp tất cả các dạng bệnh nói trên. Xoay xở trong lớp học như vậy, nhiều đêm về, cô giáo trẻ ám ảnh, nằm mơ, đôi lúc nghĩ nên bỏ nghề. Dẫu vậy, khi trấn tĩnh suy nghĩ; đặc biệt khi nhìn những hình ảnh thơ dại của các em bé bất hạnh, cô Lý không đành lòng rời xa mà muốn kết nối, gắn bó, tìm mọi cách để xoa dịu nỗi đau của trẻ cũng như gia đình trẻ. Suy nghĩ đó đã giúp cô Lý vượt lên mọi vất vả, nhọc nhằn và gắn bó với trẻ cho đến ngày nay.

Quyết tâm chia sẻ với những đứa trẻ bất hạnh, cô Trần Thị Lý bắt đầu học hỏi từ đồng nghiệp đi trước, từ sách vở, trên mạng internet các phương pháp, kỹ năng dạy trẻ khiếm thính, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ; làm bảng chữ nổi để dạy học sinh khiếm thị, đồng thời định hướng về không gian để học sinh nhận biết trước, sau, bên trái, bên phải, giúp các em tự đi lại. Đối với trẻ khiếm thính, cô tiến hành luyện nghe và dùng các ký hiệu để trao đổi. Với học sinh tự kỷ thì trò chuyện, chia sẻ, gợi mở giúp các em hòa nhập... Chỉ trong một thời gian ngắn, cô Trần Thị Lý giúp các em khiếm thị, khiếm thính học được chữ nổi, các ký hiệu bằng tay, các trẻ tự kỷ hòa đồng được với bạn, trẻ giảm trí nhớ cũng đọc được các mặt chữ.

Lan tỏa tấm lòng yêu thương

Cô Lý nhớ lại, trong lớp học có em H. chịu nhiều dạng tật tổng hợp, trong đó nặng nhất là tự kỷ, đến lớp chỉ ngồi một mình. Đầu tiên, cô Lý bắt đầu giúp H. tiếp xúc các ngôn ngữ bằng ký hiệu, nghe âm thanh tiếng mỏ, tiếng trống; khuyến khích H. tham gia vào các hoạt động tập thể. Dần dần, H. bắt đầu rời khỏi ghế, có biểu hiện chơi với bạn và bập bẹ nói được các từ đầu tiên. “Niềm vui vỡ òa khi nghe được tiếng gọi “cô ơi” từ miệng của H, tôi điện thoại ngay cho gia đình để báo tin. Nhận thông tin kỳ tích về con, người mẹ không nói gì mà chỉ khóc vì hạnh phúc. Đây là động lực giúp mình thêm gắn bó với nghề giáo đặc biệt này”, cô Lý chia sẻ.

Hai năm gần đây, ngoài việc dạy trẻ tại Trung tâm, cô Trần Thị Lý còn hỗ trợ học sinh khuyết tật ở các trường. Cô cho biết, nhiều học sinh khuyết tật dạng nhẹ, vì gia đình muốn con học hòa nhập cộng đồng nên xin học tại các trường tiểu học. Ngoài giờ học, gia đình đưa vào Trung tâm nhờ giáo viên hỗ trợ thêm. Khi phụ huynh đưa vào trung tâm, cô Lý tư vấn về dạng tật, đồng thời lên kế hoạch dạy phù hợp cho từng trẻ.

Chị T. - một phụ huynh có con bị tật nhưng cho học hòa nhập tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu chia sẻ: “Con bị tự kỷ nhưng mong muốn con sớm hòa nhập với cộng đồng nên tôi cho con đến trường tiểu học. Sau giờ học gia đình đã đưa cháu vào Trung tâm để được cô Lý hỗ trợ thêm. Sau một thời gian, bệnh tự kỷ của con đã giảm hẳn. Thực sự gia đình cảm thấy mang ơn cô Lý rất nhiều”.
Lĩnh hội được kiến thức chăm sóc, hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất, cô Trần Thị Lý bắt đầu truyền kinh nghiệm cho các giáo viên mới vào nghề - những người đang đối diện với nhiều bỡ ngỡ, áp lực và ít nhiều chán nản. Tự xem mình như người chị, cô Lý đã tận tình chỉ vẽ cho các giáo viên trong việc dạy trẻ, cùng họ tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, các giáo viên mới đều bắt nhịp nhanh và hòa mình với trẻ khuyết tật.

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng cho biết, trong 10 năm công tác tại Trung tâm, cô Lý luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, hỗ trợ đồng nghiệp trong chuyên môn, nhất là những cô giáo trẻ; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong dạy - học trẻ khuyệt tật. Cô Lý thực sự là một giáo viên để đồng nghiệp học tập noi gương, phụ huynh rất quý mến. Năm học 2019-2020, cô Trần Thị Lý được vinh danh 1 trong 25 gương “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu”.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.