Cần tính toán vị trí nhận chìm chất nạo vét luồng hàng hải

.

ĐNO - Việc nạo vét luồng hàng hải các cảng biển Đà Nẵng là rất quan trọng, bức thiết. Chất nạo vét là tài nguyên, nhưng vị trí nhận chìm chất nạo vét cần tính toán, nghiên cứu cho phù hợp.

Đó là ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo khoa học về giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét từ hoạt động duy tu, xây dựng các tuyến luồng hàng hải, cảng tại Đà Nẵng do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào chiều 20-4.

Tại hội thảo, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, luồng hàng hải Đà Nẵng đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng cũng như khu vực Trung Trung Bộ.

Hiện nay, do tuyến luồng không bảo đảm chuẩn tắc thiết kế (do độ sâu luồng vùng quay tàu, vùng quay tàu bị cạn vì không được nạo vét, duy tu từ năm 2017 đến nay), dẫn đến nhiều tàu có trọng tải lớn vào cảng phải neo chờ, một số hãng tàu bỏ tuyến, chuyển tuyến, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, khai thác của các doanh nghiệp cảng, ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương. Việc nạo vét, duy tu bảo đảm chuẩn tắc tuyến luồng là rất cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Năm 2020 và đầu năm 2021, Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm các vị trí trên bờ có khả năng tiếp nhận chất nạo vét của công trình nhưng không có vị trí phù hợp.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bùn, cát biển là tài nguyên, không phải là chất thải. Vì thế cần đổ bùn, cát đó trong vịnh Đà Nẵng để nuôi bãi biển, bảo vệ bờ biển dọc theo đường Nguyễn Tất Thành.

Giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét luồng hàng hải, cảng biển tại Đà Nẵng là đề xuất sử dụng bùn, cát từ nạo vét để xây dựng cảng Liên Chiểu. Chất nạo vét có thành phần chính là cát nên rất cần được tận dụng để nuôi bãi biển, bảo vệ bờ biển nên xác định các khu vực bị xói lở bờ biển Đà Nẵng.

Tại hội thảo, một số nhà khoa học, chuyên gia có ý kiến băn khoăn, lo lắng về những tác động của bùn, cát từ nạo vét luồng hàng hải đến các rạn san hô, cỏ biển của Đà Nẵng.

PGS.TS. Trần Văn Quang, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, đơn vị chủ đầu tư cần thuê một đơn vị uy tín, nhất là đơn vị tư vấn nước ngoài lập mô hình, mô phỏng trên phần mềm hiện đại để đánh giá đầy đủ, khách quan trước khi thống nhất cho thi công nạo vét, nhận chìm bùn, cát.

Còn PGS.TS. Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đề nghị, việc nạo vét luồng hàng hải cảng biển của Đà Nẵng không thể không thực hiện, nhưng vị trí nhận chìm bùn, cát cần cân nhắc và cẩn trọng.

TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố phát triển kinh tế nhưng bảo đảm về môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường biển. Thành phố rất quan tâm đến việc nạo vét luồng hàng hải. Đối với dự án nạo vét này thì thành phố sẽ nhận chìm chất nạo vét, nhưng vị trí nhận chìm sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.