Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khác với 60 tỉnh, thành phố khác, 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh sẽ không bầu Hội đồng nhân dân cấp phường. Cùng với đó, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ không bầu Hội đồng nhân dân cấp quận.
Cụm tranh tuyên truyền, cổ động bầu cử được đặt tại Khu vực bỏ phiếu số 1, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN |
Những điểm khác biệt trên là do ba thành phố này thực hiện theo các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14 và số 131/2020/QH14 của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021.
Không bầu Hội đồng nhân dân ở 177 phường của Hà Nội
Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.
Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Do đó, trong kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này, Hà Nội thực hiện không tổ chức bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân tại tất cả các phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.
Khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Cụ thể, đối với chính quyền ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị 2 cấp: tại thành phố Hà Nội và các quận, thị xã thì tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức Hội đồng nhân dân mà chỉ có cơ quan hành chính ở phường là Ủy ban nhân dân) để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công.
Đối với chính quyền ở nông thôn (huyện, xã), giữ nguyên mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại huyện, xã; đối với thị trấn, tuy là đô thị nhưng là đơn vị hành chính thuộc huyện nên vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Không bầu Hội đồng nhân dân của 6 quận, 45 phường thuộc Đà Nẵng
Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, ở cấp thành phố, Đà Nẵng cấu trúc chính quyền như các tỉnh, thành phố khác, gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Còn ở quận, phường chỉ có Ủy ban nhân dân. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Như vậy, trong kỳ bầu cử lần này, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Hòa Vang và đại biểu Hội đồng nhân dân các xã thuộc huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2021-2026, cùng với đó Hội đồng nhân dân của 6 quận, 45 phường thuộc thành phố sẽ dừng hoạt động từ năm nay.
Không bầu Hội đồng nhân dân cấp quận, phường ở TP. Hồ Chí Minh
Khác với Hà Nội và Đà Nẵng, ngày 16-11-2020, Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội đồng ý cho triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần tiếp tục “thí điểm” từ 1-7-2021. Việc thí điểm đã được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều năm trước đó và được đánh giá là hiệu quả.
Theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức chính quyền đô thị sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2021. Nghị quyết nêu rõ: chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố. Chính quyền địa phương ở quận tại thành phố là Ủy ban nhân dân quận; ở phường là Ủy ban nhân dân phường.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-7-2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Nghị quyết cũng quy định điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30-6-2021.
Với Thủ Đức, “thành phố thuộc thành phố” được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố, nhưng 34 phường sẽ không tiến hành bầu đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ tới.
Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban bầu cử
Do không bầu Hội đồng nhân dân cấp quận, phường nên số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh có sự giảm bớt khá nhiều so với các đơn vị hành chính thông thường khác.
Để có thể bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ủy ban bầu cử ở các thành phố nói trên tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử trên toàn địa bàn thành phố; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc bầu cử; chú trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xẩy ra trong thời gian tiến hành bầu cử,...
Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử cần tiến hành tổng kết cụ thể, chi tiết về việc triển khai thực hiện công tác bầu cử ở địa phương mình để đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra các nội dung còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong các kỳ bầu cử tiếp theo.
Theo Báo Tin tức