Phóng viên chiến trường - nhân chứng lịch sử

.

Cứ đến tháng 4 hằng năm, khi cả nước hướng về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong tâm trí ông Hồ Phước Huề (73 tuổi, trú quận Thanh Khê, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ) lại gợi nhớ những kỷ niệm một thời tuổi trẻ theo chân đoàn quân giải phóng đi khắp chiến trường miền Trung - Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Ông Hồ Phước Huề đang đọc hồi ký về quá trình thành lập và hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ.  		    Ảnh: LAM PHƯƠNG
Ông Hồ Phước Huề đang đọc hồi ký về quá trình thành lập và hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Trên những chặng đường đi qua, ông Huề trực tiếp tác nghiệp, chuyển tải những hình ảnh, tin tức về chiến thắng của quân ta, từ trận đánh mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đến công cuộc xây dựng, khôi phục đất nước sau ngày giải phóng.

Chiến thắng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ông Huề được Thông tấn xã Việt Nam chọn đưa đi đào tạo lớp phóng viên khóa GP10. Sau khi hoàn thành khóa học, ông Huề có 2 năm làm báo tại Hà Nội. Đến năm 1972, ông Huề được cử tăng cường cho chiến trường miền Nam, trở thành phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ.

Ông có mặt ở hầu hết các điểm nóng chiến sự, phản ánh hoạt động của lực lượng vũ trang cũng như phong trào nhân dân trong vùng giải phóng. Cuối năm 1974, khi đang công tác tại Bình Định, ông Huề được cử tham gia đoàn vũ trang tuyên truyền để chuẩn bị đi chiến dịch. Sau hơn 10 ngày vượt Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, ông Huề cùng đoàn đến được đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 (Tây Nguyên).

Vì bí mật, tại đây, ông Huề mới biết mình sắp sửa tham gia trận đánh lịch sử vào Buôn Mê Thuột, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là trận đánh lớn, gồm nhiều binh chủng: pháo binh, thiết giáp, xe tăng, pháo cao xạ và lực lượng bộ binh tinh nhuệ của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Sư đoàn 316 cùng nhiều lực lượng vũ trang địa phương.

Đêm 9-3-1975, ông Huề cùng phóng viên ảnh, phóng viên quay phim lên sở chỉ huy nhận lệnh và được bố trí đi theo mũi tiến công của Trung đoàn 148 - Sư đoàn 316 đánh chiếm khu pháo binh, thiết giáp của địch. Ông Huề được trinh sát dẫn lên đài quan sát của đơn vị đặt trên một ngọn đồi cao để quan sát và ghi lại hình ảnh trận đánh.

Đúng 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, pháo binh quân ta bắt đầu nã đạn vào các mục tiêu trọng điểm của địch. Điện trong thị xã phụt tắt. Tiếng pháo nổ inh tai, lửa cháy rực trời. Cuộc pháo kích kéo dài đến 6 giờ sáng. Quân ta từ các hướng ào ào tiến đánh vào thị xã. Chiều cùng ngày, quân ta chiếm được hầu hết các mục tiêu trong thị xã.

Ông kể: “Lúc ấy, tôi cùng các đồng nghiệp vừa quan sát trận đánh, vừa cố ghi lại thật nhiều hình ảnh toàn cảnh thị xã Buôn Mê Thuột và hình ảnh quân ta đánh chiếm lại thị xã. Đúng 17 giờ ngày 10-3-1975, tôi có bản tin đầu tiên phát về Tổng xã tường thuật trận đánh mở màn của quân ta vào Buôn Mê Thuột”.

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng. 	            	          Ảnh: Thông tấn xã Giải phóng
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng. Ảnh: Thông tấn xã Giải phóng

Sáng hôm sau, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy của địch, giải phóng toàn thị xã Buôn Mê Thuột. Ông Huề tiếp tục có mặt, ghi lại hình ảnh quân địch lũ lượt ra hàng, hoàn thành bài viết “Giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Mê Thuột” và phát ra Tổng xã ngay sau đó. Liên tiếp các ngày 16 đến 19-3-1975, ông Huề theo các cánh quân của ta tiếp tục bám sát, đưa tin chiến thắng tại Kom Tum, Pleiku, Phú Bổn, Đức Lập, Gia Nghĩa...

“Chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, lực lượng vũ trang ta với nghệ thuật nghi binh tài tình và đòn đánh bất ngờ vào huyệt đạo Buôn Mê Thuột, toàn bộ vùng đất rộng lớn của Tây Nguyên được giải phóng hoàn toàn, mở ra thời cơ trực tiếp thực hiện chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Huề xúc động kể lại.

Niềm vui ngày giải phóng

Những ngày cuối tháng 3-1975, ông Huề cùng các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ tiếp tục bám theo Sư đoàn 10, tiến đánh địch trên đường quốc lộ 21 từ Buôn Mê Thuột đi Nha Trang. Chiều 1-4-1975, Sư đoàn 10 của ta đánh tan quân địch trên đèo Khánh Dương, tiến vào quận lỵ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Tối đó, ông Huề cùng đồng nghiệp phát tin “Làm chủ quận lỵ Ninh Hòa” về Tổng xã. Sáng 2-4-1975, cùng với cánh quân giải phóng, ông Huề là một trong những người đầu tiên tiến vào giải phóng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. “Dọc đường vào Nha Trang, hai bên đường người dân kéo ra đứng rất đông, cầm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vẫy chào nồng nhiệt tựa như đón người thân trở về. Tôi tranh thủ phỏng vấn một số người dân cầm cờ, đến trưa thì hoàn thành bài ghi nhanh “Giải phóng Nha Trang”, ông Huề kể.

Ngày 12-4-1975, sau khi quân ta giải phóng hoàn toàn các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến các tỉnh khu 5 và Tây Nguyên, ông Huề nhận lệnh về lại Đà Nẵng thực hiện công tác tuyên truyền sau cuộc chiến.

Tại đây, ông thực hiện những bài viết về công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng thành phố, phản ánh tình hình sản xuất, khôi phục hoạt động các nhà máy, xí nghiệp, đời sống nhân dân... sau chiến tranh. Vừa làm công tác tuyên truyền, ông Huề vừa tiếp tục nghe ngóng tình hình chiến sự miền Nam. Trưa ngày 30-4-1975, qua sóng phát thanh, hay tin quân ta chiếm được Dinh Độc lập, giải phóng miền Nam, ông Huề vui mừng bật khóc.

Phóng viên Hứa Kiểm của Thông tấn xã Việt Nam gặp gỡ nhân dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 							   Ảnh: TTXVN
Phóng viên Hứa Kiểm của Thông tấn xã Việt Nam gặp gỡ nhân dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Giữa tháng 5-1975, khi nhân dân Sài Gòn nô nức chứng kiến lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Quảng trường Dinh Độc lập, tại Đà Nẵng, hàng vạn người dân thành phố cũng rực rỡ cờ hoa tham gia lễ duyệt binh mừng ngày thống nhất tại sân vận động Chi Lăng.

Ông Huề là một trong những phóng viên chủ lực tham gia chụp ảnh, đưa tin về ngày vui giải phóng. Trên khán đài cao, ông quan sát toàn cảnh lễ duyệt binh và ghi lại những hình ảnh quý giá. Nhân dân khắp nơi đổ về sân vận động mừng ngày hội lớn. Cả biển người cầm cờ xanh đỏ, cờ đỏ sao vàng, băng-rôn vẫy phấp phới. Tiếng đọc diễn văn chào mừng, đọc báo cáo kết quả cuộc đấu tranh hòa cùng tiếng người hò reo, vỗ tay vang dội.

Các lực lượng dân quân tự vệ, binh chủng quân đội, hội đoàn thể nhân dân diễu hành trong tiếng trống, kèn rền vang. Trong niềm xúc động, ông Huề chia sẻ: “Có thể nói, những ngày tháng 5-1975, nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung ai ai cũng rạng rỡ hạnh phúc. Niềm hạnh phúc tuy không cầm, nắm được nhưng lại cảm nhận rất rõ ràng. Miền Nam được giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một nhà. Các gia đình trở về quê hương sinh sống; vợ chồng, con cái đoàn tụ. Còn niềm hạnh phúc nào lớn bằng”.

46 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giờ đây, mỗi khi lần giở những bức ảnh đen trắng theo màu thời gian, ông Hồ Phước Huề lại xúc động nhớ về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng, oanh liệt, can trường. Đó là quãng thanh xuân ông Huề gắn liền với nghề phóng viên chiến trường, là nhân chứng lịch sử. “Tôi luôn vinh dự và tự hào là một trong những người tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với tư cách là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng đất nước”, ông Huề tự hào nói.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.