ĐNO - UBND thành phố vừa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tiểu dự án Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng (thuộc dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng).
Theo đó, nạo vét bùn, tách rác ở khu vực âu thuyền Thọ Quang với diện tích nạo vét bùn 50,17ha; tổng khối lượng bùn sau khi nạo vét, tách rác là 346.790m3.
Về phương án nhận chìm chất nạo vét, sử dụng 3 sà lan với công suất chứa của mỗi sà lan 1.495m3/ngày để vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm với trung bình 6 chuyến/ngày, khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 3.500m3/ngày.
Nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy. Trước khi xả đáy, sẽ kiểm tra bùn nạo vét trên sà lan, nếu có chất nổi sẽ yêu cầu đơn vị thi công sử dụng tấm hút hết váng nổi. Chất nạo vét sau khi được kiểm tra (bằng cảm quan), nếu không có chất nổi sẽ tiến hành xả đáy sà lan để nhận chìm.
Chất nạo vét sẽ được nhận chìm tại khu vực biển có tọa độ tâm là 16o11’14,75” vĩ độ bắc và 108o17’20,75” kinh độ đông với diện tích không quá 25ha. Diện tích cụ thể được xem xét khi cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển). Tổng khối lượng chất nạo vét được nhận chìm không quá 381.988m3.
Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát chặt chẽ quá trình nhận chìm, chất lượng nước biển, đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm chất nạo vét và khu vực xung quanh, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn lập hồ sơ cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển với nguyên tắc là chủ đầu tư chịu trách nhiệm giám sát 24/24 giờ đối với từng chuyến sà lan nhận chìm chất nạo vét; xác định tối thiểu 4 vị trí xung quanh vị trí nhận chìm, giám sát chất lượng nước biển và đa dạng sinh học...
UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên môi trường biển và hải đảo trong mọi hoạt động của dự án, bảo đảm không gây tác động xấu đến môi trường; bảo đảm tính chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, đánh giá và các kết quả tính toán nêu trong hồ sơ ĐTM. Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường để không gây ô nhiễm trong giai đoạn thi công, hoạt động của dự án.
Chỉ được phép nhận chìm chất nạo vét khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan...
HOÀNG HIỆP