Lan tỏa phong trào hiến tặng mô, tạng

.

Hơn 10 năm nay, phong trào hiến tặng mô, tạng trên địa bàn thành phố có sự lan tỏa nhất định, ngày càng nhiều người đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung còn cách xa nhau. Để giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Các bạn trẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng tại buổi tuyên truyền và gặp mặt người tham gia hiến tặng mô, tạng do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức tháng 5-2020. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các bạn trẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng tại buổi tuyên truyền và gặp mặt người tham gia hiến tặng mô, tạng do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức tháng 5-2020. Ảnh: XUÂN DŨNG

Hoạt động hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, không chỉ mang lại sự sống cho người khác mà còn giúp xã hội ngày càng nhân văn hơn. Trường hợp em Phạm Văn Cơ (SN 2003, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) may mắn được cứu sống nhờ ghép tim là điển hình về nghĩa cử cao đẹp. Gia đình Cơ vốn có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, anh trai cũng mất vì bệnh tim quái ác, chỉ còn lại em và mẹ sống nương tựa vào nhau.

Sau thời gian dài chạy chữa trong tuyệt vọng, mẹ con Cơ tìm lại nguồn sống khi được một gia đình tại Hà Nội đồng ý hiến trái tim phù hợp. Sau đó, mẹ của Cơ cũng làm đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng cho y học để bày tỏ sự biết ơn và mong muốn cứu được nhiều người.

“Tỉnh dậy sau khi phẫu thuật, em thấy bản thân mình như được sinh ra một lần nữa. Nhờ có phong trào hiến tặng mô, tạng, em và nhiều người khác mới có cơ hội được sống và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Hy vọng hoạt động này được nhân rộng để có thêm nhiều người được cứu sống hơn nữa”, em Cơ chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng may mắn như Cơ. Vì hiện nay, khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung rất lớn. Nhiều người bệnh phải chờ thời gian dài mới đến lượt nhận, thậm chí mất trước khi tìm được mô, tạng phù hợp. Mặt khác, nhiều người có tâm nguyện, nhu cầu hiến nhưng do hoạt động chưa được tuyên truyền rộng rãi nên không nắm rõ thủ tục và đơn vị tiếp nhận đăng ký.

Đơn cử như trường hợp của chị Phạm Thị Ngọc Thành (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) có tâm nguyện được hiến tạng cho y học từ rất lâu nhưng không biết cách đăng ký. Mãi đến năm 2018, khi dự lớp tập huấn sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố tổ chức, chị mới được cán bộ hội tuyên truyền, hướng dẫn.

“Khi biết tin tôi quyết định làm đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình, các con của tôi đều ra sức can ngăn. Tuy nhiên, sau khi hiểu về ý nghĩa nhân đạo của hoạt động này, các con đã đồng ý và ủng hộ tôi bằng cách cùng làm đơn đăng ký tham gia hiến”, chị Thành hào hứng chia sẻ.

Ngoài ra, quan niệm về cái chết nguyên vẹn của nhiều người trong xã hội hiện nay cũng là rào cản không nhỏ khiến phong trào hiến tặng mô, tạng chưa phát triển. Chị Nguyễn Hoàng Anh, cán bộ Hội CTĐ thành phố cho biết, bản thân chị đăng ký hiến mô, tạng và trực tiếp vận động những người thân trong gia đình cùng tham gia.

Tuy nhiên, khi chị vận động người thân đồng ý để cha đang mắc bệnh hiểm nghèo cùng đăng ký hiến thì gặp phải nhiều sự phản đối. Bởi lẽ, đại bộ phận người dân hiện nay vẫn quan niệm rằng “chết phải toàn thây” nên việc vận động hiến tạng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chỉ mới có một số cơ quan, đơn vị thực hiện nên phong trào chưa thực sự lan tỏa rộng khắp đến toàn xã hội.

Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Lê Thị Như Hồng cho biết, tính đến năm 2021, Đà Nẵng có hơn 200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng và được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cấp thẻ, đồng nghĩa với việc những người này đã hoàn tất thủ tục để thực hiện tâm nguyện của mình khi qua đời. Theo bà Hồng, quan trọng nhất trong việc vận động, tuyên truyền người dân nhận thức đúng đắn về hiến tặng mô, tạng là giúp họ vượt qua rào cản tâm lý, quan niệm cũ về cái chết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng phải được thực hiện liên tục, lâu dài và có sự vào cuộc của toàn xã hội.

“Thời gian qua, Hội CTĐ đã triển khai kế hoạch tuyên truyền về phong trào hiến tặng mô, tạng đến các cơ quan, tổ chức, người dân bằng nhiều hình thức và phân bổ chỉ tiêu trong hệ thống hội. Tuy nhiên, để phong trào được lan tỏa rộng rãi và hiệu quả hơn, Hội CTĐ thành phố hy vọng các cơ quan thông tin đại chúng, ngành y tế, các tổ chức hội đoàn thể tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về hoạt động cho người dân”, bà Hồng nói.

Tại Đà Nẵng, có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng trực tiếp hoặc qua bưu điện tại Hội Chữ thập đỏ thành phố, địa chỉ 522 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu. Số điện thoại liên hệ: 0236.3868.334. Thủ tục đăng ký gồm đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng theo mẫu, 1 bản photo CMND (hoặc căn cước công dân/hộ chiếu) và 1 ảnh thẻ.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.