“Mới tháng 4 đã có bão, mà là siêu bão với sức gió giật trên cấp 17”, người đàn ông lớn tuổi nhất bất ngờ phá tan sự im lặng của nhóm 3 ngư dân ngồi hóng mát trên bãi biển Thọ Quang một chiều muộn trung tuần tháng 4.
“Thời tiết chừ hắn rứa, không còn theo quy luật và dễ đoán như xưa nữa rồi”, người đàn ông dáng thấp đậm, nước da đen cháy, ngồi sát bên tiếp lời. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, người đàn ông lớn tuổi đứng phắt dậy, giục cả nhóm: “Thôi về mấy ông, cùng sang nhà bà Bảy bán vé số hỏi chuyện cái nhà bả răng rồi, có trụ nổi nếu cơn bão vào Đà Nẵng hay không?”.
Nhìn cả nhóm xa dần rồi khuất hẳn sau hàng dương liễu, lúc này tôi mới chợt nhớ ra đây là người quen trong những ngày tiếp tế lương thực cho Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng khi bị phong tỏa trong đợt Covid-19 lần thứ 2 bùng phát trong tháng 7-2020.
9 tháng trôi qua, bình tâm ngồi nhớ lại, tôi cũng chẳng thể hình dung và hiểu nổi những gì mình tận mắt thấy được. Khi lệnh giới nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” áp dụng với 2 bệnh viện trong tâm dịch cũng là lúc ngã ba đường Ngô Gia Tự - Hải Phòng, tuyến đường dẫn vào 2 bệnh viện, bỗng chốc hóa thành kho chứa hàng.
Ngã ba đường rộng đến thế, bỗng chốc trở nên chật chội vì hàng ngàn thùng mì ăn liền, sữa, nước suối, đồ dùng cá nhân... và đoàn xe tải, xe máy, cả xe đạp chở hàng “tiếp tế” nối đuôi nhau chờ đến phiên để đưa hàng xuống. Có cảm giác như cả thành phố dồn hết sự quan tâm, sẻ chia về đây. Và cũng tại đây, tôi gặp 3 người đàn ông có nước da đen cháy kia, hì hục khuân hàng từ xe chuyển qua hàng rào để xe bệnh viện chở vào cho hàng ngàn y, bác sĩ, bệnh nhân đang ở trong tâm dịch. Như phản xạ tự nhiên nghề nghiệp, tôi tiếp cận chụp hình, hỏi tên, địa chỉ, nhưng kết quả chỉ là cái lắc đầu: “Hỏi chi bọn tôi, hàng ngàn người bị kẹt bên trong kia kìa, lo giúp họ đã”.
“Ơ kìa, anh cũng đến đây à?”. Tiếng ai đó thật quen vang lên, giật mình quay lại, tôi gặp thêm một “người tốt thầm lặng” nữa có mặt tại đây - anh N.D.H - “kiện tướng” hiến máu nhân đạo với tổng 52 lần trong 10 năm qua. Đứng sát anh là nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Hóa ra là người quen cả, tất cả đang tề tựu về ngã ba này chung tay chống dịch. Một cảm giác vững tâm đến lạ thường. “Thành phố Đà Nẵng nhất định thắng nhanh trong trận chiến Covid-19 này”, mọi người cùng khẳng định.
Người ta vẫn hay nói, “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Có lẽ như vậy, tôi rất nhiều lần tiếp cận, xin tên, xin chụp một kiểu hình nhưng đều nhận từ họ cái lắc đầu từ chối. Thế nhưng khi bàn việc, hỏi han chuyện sắp đến làm gì, giúp ai thì họ lại lập tức sôi nổi, nhiệt huyết đến lạ thường. Nói mới nhớ lại, gần hai năm trước, có dịp đồng hành cùng nhóm hội viên của CLB Máu sống Tự Tâm (phường Thọ Quang) đang vội vã vào Bệnh viện Đà Nẵng để hiến máu, giúp một thanh niên bị tai nạn giao thông. Khi được hỏi, đại diện nhóm chỉ thông tin ngắn gọn: “Tụi em nghỉ tí sẽ gọi thêm mấy bạn nhóm máu B, chiều lên Bệnh viện Ung bướu nữa anh ạ”.
Thành phố Đà Nẵng này có bao nhiêu “bông lúa chín” thầm lặng như thế? Chắc rằng không ai có thể nói chính xác, vì lẽ đơn giản, việc chìa cánh tay ra cho những số phận đang gặp nạn dường như đã trở thành những con sóng thầm lặng, bền bỉ lan tỏa, kết nối khắp thành phố bên bờ sông Hàn. Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố, mái nhà chung của những tấm lòng đáng trân quý như vậy, cũng chỉ có thể thống kê gần 10.000 hội viên thuộc các Hội CTĐ quận, huyện đang sinh hoạt thường xuyên tại 80 câu lạc bộ, đội nhóm thiện nguyện.
Năm 2020 nhọc nhằn đi qua với rất nhiều hệ lụy từ Covid-19. Và chính trong cùng tận của khó khăn đó, một lần nữa những “bông lúa chín” lặng thầm hiến dâng cho đời vị ngọt được chắt lọc từ chính lòng nhân ái, bao dung. Hơn 35 tỷ đồng của những tấm lòng đáng trân quý gửi gắm về Hội CTĐ thành phố để kịp lo cho những phận đời kém may mắn thông qua các hoạt động ý nghĩa như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tết vì bạn/sinh viên nghèo”, “Chung sức hỗ trợ các xã miền núi huyện Hòa Vang”, “Tháng Nhân đạo 2020”, “Giúp đỡ người bị ảnh hưởng Covid-19”... Ngoài ra, còn có các hoạt động ý nghĩa khác như tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, xây dựng điểm sơ cấp cứu cộng đồng, hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai...
2018 là năm đầu tiên Hội CTĐ Việt Nam chọn tháng 5 là “Tháng Nhân đạo” với chủ đề “Nhân đạo - từ nhận thức đến hành động” nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua 3 năm thí điểm, từ năm 2021, tháng 5 chính thức được chọn là “Tháng Nhân đạo”.
Vẫn tinh thần vượt khó ấy, vẫn tinh thần “lá lành đùm lá rách”, năm nay Hội CTĐ thành phố nỗ lực huy động nguồn lực trợ giúp 1.000 địa chỉ nhân đạo; giúp đỡ 700 hộ gia đình khó khăn; vận động giúp đỡ các cơ sở bảo trợ xã hội; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho những người bất hạnh; vận động hiến máu, hiến mô, hiến tạng và hiến xác... Cả một danh sách dài như vậy đang chờ họ đồng hành cùng Hội CTĐ thành phố hoàn thành sứ mệnh thiện nguyện vì cộng đồng của mình.
“Trao yêu thương sẽ nhận về yêu thương”, lần nào cũng vậy, ai hỏi cũng vậy, người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn tên Nguyễn Thị Trà Liên - “bếp trưởng” nấu hàng ngàn suất ăn từ thiện mỗi ngày trong suốt những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, chỉ nói đơn giản có thế. Những tấm gương thiện nguyện là điểm tựa vững chắc để chúng ta tin rằng, những mục tiêu, chương trình Hội CTĐ thành phố đề ra trong “Tháng Nhân đạo” và năm 2021 sẽ thêm một lần được thu về kết quả trọn vẹn.
THANH VÂN