Chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam

.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp nỗ lực vận động hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà tình thương cho hộ bà Nguyễn Thị Hồng ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có con bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh chụp năm 2021)  Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà tình thương cho hộ bà Nguyễn Thị Hồng ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có con bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh chụp năm 2020). Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Bà Nguyễn Thị Hồng, 59 tuổi, ở tổ 11 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) vừa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố vận động kinh phí hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà tình thương. Ngôi nhà hiện làm xong phần thô và tiếp tục thi công nhằm hoàn thành vào đầu tháng 7-2021.

Thời chống Mỹ, bà Hồng ở trong vùng bị máy bay địch phun rải chất độc hóa học. Tuổi xuân đi qua trong chiến tranh, sau ngày đất nước thống nhất, bà Hồng có 2 người con. Người con đầu may mắn có sức khỏe bình thường, lớn lên tham gia nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Người con út bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, gây thiểu năng trí tuệ, chân teo tóp, đi lại khập khiễng, miệng không nói được.

Bao năm qua, bà Hồng làm công cho một cơ sở thu mua phế liệu, cuộc sống khó khăn, nhà ở xuống cấp, hư hỏng. Khi được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố hỗ trợ 80 triệu đồng để xây ngôi nhà mới, bà cảm thấy ấm lòng, vơi bớt nỗi đau buồn.

Trong khi đó, bà Võ Thị Bưởi (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) vừa được Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố hỗ trợ xây nhà tình thương với số tiền 50 triệu đồng từ sự đóng góp của đoàn viên, hội viên. Bà Bưởi được cơ quan chức năng bố trí đất ở tại khu quy hoạch thôn Nam Yên. Người con của bà Bưởi bị thiểu năng trí tuệ, đi lại khó khăn và dị dạng do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đây là hậu quả từ những năm tháng bà Bưởi hoạt động trong địa bàn bị địch phun rải chất độc hóa học.

Lâu nay, gia đình bà ở nhờ trong khu nhà cũ dột nát, chưa tháo dỡ của ngành giáo dục huyện Hòa Vang. Tảo tần bươn chải nhiều năm, bà Bưởi dành dụm được ít tiền, nay được hỗ trợ 50 triệu đồng và được bố trí đất ở, bà xây ngôi nhà có gác đúc chống lũ kiên cố.

Trong ngôi nhà sắp sửa hoàn thành, người phụ nữ nghèo xúc động nói: “Gần 60 tuổi, bây giờ tôi mới có ngôi nhà riêng, có nơi ở ổn định. Tôi yên tâm làm ăn vượt khó vươn lên”…

Không chỉ riêng bà Nguyễn Thị Hồng hay bà Võ Thị Bưởi mà hàng trăm gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, phù hợp với hoàn cảnh, nguyện vọng của từng trường hợp.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố vận động kinh phí xây dựng nhà tình thương và hỗ trợ sửa chữa nhà cho 8 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ xe lăn, xe đạp, phương tiện sinh kế cho 56 trường hợp. đồng thời vận động 400 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng, tặng các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn.

Toàn thành phố hiện có 4.433 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đa số thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn. Trong đó, có 360 nạn nhân được trợ dưỡng thường xuyên với mức 200.000-400.000 đồng/tháng; 120 trường hợp được nuôi bán trú tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố.

Những năm qua, các cấp hội nỗ lực vận động tiền, gạo, nhu yếu phẩm nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn với tổng giá trị vận động mỗi tháng hơn 350 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Tô Năm cho biết: “Theo kế hoạch, trong dịp 60 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021), các cấp hội tổ chức đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 100% nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố. Đồng thời chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin…”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.