Bảo vệ mùa ươi chín rộ

.

Đúng chu kỳ 4 năm, các cây ươi phân bố rải rác trên diện tích 20.000ha rừng ở huyện Hòa Vang chuyển màu, quả ươi chín rộ bay hoặc rụng xuống đất từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7. Công tác bảo vệ các cánh rừng ươi được Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp triển khai cách đây 2 tuần và kéo dài hơn 1 tháng, bảo đảm không để một cây ươi bị đốn hạ và bảo vệ quá trình nẩy mầm, tái sinh hàng triệu cây ươi mới.

Lực lượng kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cùng các hộ dân thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc tuần tra, bảo vệ các cây ươi ở cánh rừng giáp Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cùng các hộ dân thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc tuần tra, bảo vệ các cây ươi ở cánh rừng giáp Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Túc trực bảo vệ giữa rừng

Những ngày này, đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, nhất là đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, dễ bắt gặp nhiều cây ươi chuyển sang màu đỏ nhạt và vàng, trông xa xa như những chiếc dù nổi bật giữa các cánh rừng xanh thẫm. Hình ảnh đẹp hiếm có và cuốn hút này phải mất 7 năm mới lại xuất hiện nhiều ở các cánh rừng nơi đây bởi 4 năm trước, ươi bị mất mùa.

Dọc hai bên đường đoạn từ nút giao thông Hòa Liên qua hầm Mũi Trâu đến giáp Vườn quốc gia Bạch Mã, nhiều tấm băng-rôn tuyên truyền không vào Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa để thu hái quả ươi và mức xử phạt vi phạm đến 100 triệu đồng.

Đến chốt bảo vệ cây ươi phía ngoài đèo Mũi Trâu (xã Hòa Bắc) lúc 9 giờ 30 sáng, chúng tôi nhìn thấy 6 cán bộ, kiểm lâm viên cùng 7 hộ dân ở thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) đang nhễ nhại mồ hôi vì vừa mới đi tuần tra các cánh rừng có cây ươi về. Chốt được lập chỉ gồm 3 lều bằng bạt dựng trên một mô đất trống trải, cao ráo giữa rừng để thuận tiện quan sát. Một số kiểm lâm viên và người dân đang nấu cơm để ăn luôn bữa trưa vì đi vào rừng tuần tra từ 5 giờ sáng mới về. Tại chốt này, trong hai ngày 23 và 24-6, các kiểm lâm viên và người dân đã đẩy đuổi 2 nhóm gần 20 người mang theo nhiều dụng cụ để thu hái quả ươi.

Khi nhìn thấy nhóm gồm 14 người rẽ vào khu dân cư thôn Tà Lang và ở đó để chờ cơ hội đột nhập vào rừng, tổ chốt chặn báo cáo BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa để trình báo Công an xã Hòa Bắc và Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm thành phố lên giải tán nhóm người này.

“6 cán bộ, kiểm lâm viên ở điểm chốt bảo vệ cây ươi này đã hơn 15 ngày chưa về nhà. Cuối tuần, người nhà lên thăm, động viên. Ở giữa rừng không có sóng điện thoại nên có việc gì đều phải đi xe máy qua hầm Mũi Trâu, đến khu dân cư ở thôn Tà Lang mới liên lạc được bằng điện thoại di động. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm bảo vệ các cây ươi phân bố rải rác trên diện tích 8.000 hecta ở khu vực này an toàn, không để bị chặt phá”, ông Nguyễn Thanh Yên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sông Bắc nói.

Tại điểm chốt chặn ở giáp Vườn quốc gia Bạch Mã (giáp huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế), ông Lê Đức Cường (trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cùng các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng tham gia trực chốt, vừa ngắm nhìn những cây ươi sai quả, vừa trông chừng để phát hiện người di chuyển từ phía huyện Nam Đông xâm nhập vào rừng ươi.

Ông Cường chia sẻ: “Ở đây thường hay mưa vào buổi chiều nên có quả ươi rụng xuống đều bị nở ra, chỉ thuận lợi cho nẩy mầm, mọc cây con chứ không thu nhặt được. Tuy vậy, có nhiều người vì lợi nhuận mà vẫn cố tình xâm nhập vào rừng với ý đồ chặt cây ươi để thu hái quả. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với lực lượng kiểm lâm túc trực hơn 1 tháng để bảo vệ các cánh rừng ươi không bị chặt phá”. Còn ông Trần Xuân Trang (trú cùng thôn Giàn Bí) tâm sự: “Nhìn những cây ươi sai quả đang được bảo vệ an toàn, chúng tôi rất vui. Khi nhiều quả ươi nẩy mầm, lớn lên sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần cho người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí nói riêng và thành phố nói chung”.

Không để cây ươi bị đốn hạ

Phó Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Nguyễn Thành Tân thông tin: “Chúng tôi thành lập 10 điểm chốt chặn và giao cho 40 cán bộ, kiểm lâm viên, bảo vệ rừng chuyên trách phối hợp với 210 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và 70 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu ở thôn Ka Dong, xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) tham gia túc trực 24 giờ mỗi ngày để bảo vệ các cây ươi với thời gian kéo dài hơn 1 tháng. Các tổ chốt chặn còn tổ chức tuần tra, kiểm tra tại khu vực có nhiều cây ươi chuẩn bị rụng quả nhằm kịp thời ngăn chặn, không cho các đối tượng chặt hạ cây để hái quả”.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang Lê Đình Thám, cách đây hơn 1 tháng, qua công tác quản lý lâm phận và theo dõi, các đơn vị đã nhận định mùa ươi này sẽ rất rộ nên đã chủ động khảo sát, xác định khu vực phân bố cây ươi tập trung, thời gian quả ươi chín và tham mưu lập kế hoạch bảo vệ. Ngoài các chốt bảo vệ cây ươi của BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cũng thành lập thêm 1 chốt bảo vệ ở khu vực rừng Bàu Bàng thuộc thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc. Đồng thời, các đơn vị cũng đã phối hợp với ban nhân dân các thôn tổ chức họp dân để thông báo, tuyên truyền bảo vệ cây ươi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Trần Viết Phương cho hay, các đơn vị đã phối hợp với các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng tiến hành bảo vệ các cánh rừng ươi rất tốt. Qua kiểm tra, theo dõi, các tổ chốt bảo vệ đã đẩy đuổi hơn 30 người xâm nhập vào rừng trái phép để thu hoạch quả ươi và đến nay, chưa có một cây ươi nào bị đốn hạ. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục chốt chặn, bảo vệ tuyệt đối cây ươi đến hết mùa ươi chín rụng”, ông  Trần Viết Phương nói.

Cây ươi sinh trưởng 15 năm mới cho quả và cứ chu kỳ 4 năm, quả ươi mới chín rộ. Các cây nhỏ sẽ cho khoảng từ 15-20kg quả/cây, cây lớn là từ 40-50kg quả/cây. Do quả ươi nhỏ lại gắn chặt vào đài hoa có cánh lớn nên khi chín rộ, dễ bị gió thổi bay xa. Nếu chỉ thu nhặt quả ươi ở dưới gốc cây và trên mặt cỏ, cây bụi... thì từ sáng sớm đến trưa chỉ được khoảng 2kg. Vì vậy, trước đây, nhiều người vào rừng chọn những cây ươi gần chín rộ là đốn hạ cây mới thu hoạch một lần được vài chục cân quả ươi.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích